của ông đi thôi. Tôi có mấy chuyện cần nói với học trò.
Một cô giáo trẻ dự bị ngồi cạnh tôi trong căng tin. Cô sẽ là giáo viên
chính thức kể từ tháng Chín, cô hỏi tôi có thể khuyên cô điều gì không.
Cô hãy tìm điều gì thích mà làm. Nói gọn là như thế. Tôi thừa nhận
không phải lúc nào cũng yêu nghề dạy học. Có lúc tôi bị hẫng. Cô hay anh,
một thân một mình, mỗi ngày dạy năm lớp, toàn bọn choai choai cả. Một
đơn vị năng lượng chọi với một trăm bảy mươi lăm đơn vị năng lượng, một
trăm bảy mươi lăm quả bom nổ chậm thì cô phải tìm cách tự cứu mình
thôi. Có thể chúng mến cô đấy, thậm chí chúng thương cô nữa, nhưng
chúng còn trẻ và sứ mạng của tuổi trẻ là gạt bỏ người già ra khỏi hành tinh
này. Tôi biết nói thế là cường điệu nhưng chuyện này thật chẳng khác một
võ sĩ quyền Anh leo lên võ đài hay một người đấu bò ra đấu trường. Cô có
thể bị đánh đo ván hay bị húc lòi ruột và thế là chấm dứt sự nghiệp nhà
giáo. Nhưng nếu trụ được thì với thời gian cô sẽ học được nhiều mánh
khóe. Thật không dễ đâu, nhưng cô phải làm sao để thoải mái được trong
lớp. Cô phải ích kỷ. Trên máy bay người ta dặn dò cô rằng nếu thiếu dưỡng
khí thì cô cần đeo mặt nạ có ống dưỡng khí cho mình trước hết, dù bản
năng bảo cô hãy cứu đứa con.
Lớp học là một nơi đầy bi tráng. Cô sẽ không bao giờ biết cô đã làm
được gì hay ảnh hưởng được gì cho hàng trăm đứa học trò đến rồi đi. Cô
thấy chúng rời lớp học: mơ màng, buồn tẻ, giễu cợt, trầm trồ, cười nói,
hoang mang. Sau vài năm con người cô sẽ tự phát triển một thứ ăng ten. Cô
có thể biết mình sẽ gần gũi được chúng hay khiến chúng xa cách. Đó là sự
giao cảm, là tâm lý, là bản năng của loài thú. Cô và đám trẻ cùng chung số
phận, hễ còn muốn làm nhà giáo thì cô không chạy đâu cho thoát. Đừng
mong được trợ giúp từ cấp trên là những người đã thoát khỏi chuyện dạy
học. Họ bận đi ăn trưa và ngẫm nghĩ về những chuyện cao xa hơn. Mặc xác
cô với lũ trẻ. A, chuông reo rồi kìa. Chào cô nhé. Cô hãy tìm ra điều mình
thích mà làm.
Trời tháng Tư có nắng ngoài kia. Tôi tự hỏi mình còn được bao nhiêu
tháng Tư, bao nhiêu ngày nắng nữa. Tôi chợt cảm thấy mình chẳng còn gì
để nói với các em học sinh trung học ở New York về viết văn hay về gì