Em không được kêu như thế. Phải giơ tay xin phép đã.
Dạ dạ, Joey đáp, nhưng…
Chúng có cái lối nói “Dạ dạ” để anh hiểu rằng chúng tha thứ cho anh
đấy thôi. Bằng cái “Dạ dạ” ấy chúng nói với anh: Bọn em đang cố kiên
nhẫn đấy, cho thầy một cơ hội đấy, ôi trời ạ, vì thầy chỉ là một thầy giáo
mới.
Joey giơ tay. Ô, thầy ơi…
Gọi tôi là thầy McCourt.
Dạ. OK. Thế thầy dân Ê cốt hay sao ạ?
Joey là cái loa của lớp này. Lớp nào cũng có một cái loa – ngoài đứa hay
mách lẻo, đứa làm hề, đứa đạo đức, đứa hoa khôi, đứa tình nguyện làm mọi
việc, đứa nhà quê, đứa thông thái, cậu ấm bám váy mẹ, đứa thần bí, đứa ẻo
lả, đứa si tình, đứa chê bai, đứa xuẩn ngốc, đứa cuồng tín tôn giáo nhìn đâu
cũng chỉ thấy tội lỗi, đứa hay nghĩ ngợi ủ ê ngồi tận cuối lớp đăm đăm nhìn
mặt bàn, đứa vui tính, đứa thánh thiện thấy điều thiện ở mọi tạo vật. Cái loa
có nhiệm vụ đặt câu hỏi, bất cứ câu gì hòng lái thầy cô khỏi bài học nhàm
chán. Tôi tuy là thầy giáo mới thật, nhưng không mắc lừa trò câu giờ của
cậu Joey này. Trò này giống nhau trên toàn thế giới. Ở Ireland chính tôi
cũng đã chơi thế rồi. Tôi từng là cái loa trong lớp ở Leamy’s National
School. Thầy giáo viết một bài đại số hay chia động từ trên bảng, đám bạn
liền thì thào: McCourt, hỏi bừa đi. Đánh lạc hướng ông thầy khỏi ba cái bài
vớ vẩn ấy. Hỏi đi, hỏi đi.
Tôi liền hỏi: Thưa thầy, hồi xưa người Ireland có môn đại số không ạ?
Thầy O’Halloran vốn thích tôi, cậu bé ngoan ngoãn, chép bài sạch sẽ,
luôn lễ phép và vâng lời. Thầy sẽ buông phấn, rồi qua cách thầy ngồi vào
bàn, thủng thẳng mãi mới nói khiến ta thấy được thầy vui sướng biết bao
được thoát khỏi bài đại số và cú pháp tiếng Ireland. Các em ạ, thầy nói, các
em hoàn toàn có quyền tự hào về ông cha mình. Trước người Hy Lạp, thậm
chí trước cả người Ai Cập, cha ông các em trên mảnh đất yêu dấu này đã
biết cách thu tia sáng mặt trời giữa mùa đông lạnh lẽo, hướng chúng vào
những căn phòng tối om trong đôi khoảnh khắc vàng ngọc. Họ biết được