Lớp học ồ lên. Chúng cười, vỗ ngực, huých nhau, giật cùi chỏ, giả vờ
ngã lăn xuống sàn. Ông thầy này. Chu cha, nhộn đáo để. Đi chơi với cừu.
Bà con ơi, nhốt cừu vào chuồng nhé.
Xin lỗi. Bây giờ các em mở tập ra. Chúng ta phải làm cho xong bài
chính tả.
Chúng cười ngặt nghẽo. Trong bài có cừu không ạ? Chu cha.
Câu trả lời ta đây khôn ngoan của tôi là một sai lầm. Rồi sẽ rắc rối. Mấy
cậu có biệt danh “đạo đức, thánh thiện và chê bai” chắc chắn sẽ mách: Mẹ
ơi, bố ơi, thầy hiệu trưởng ơi, bố mẹ với thầy hiệu trưởng thử đoán xem
hôm nay thầy giáo đã nói gì. Toàn những chuyện bẩn thỉu về cừu.
Tôi không được chuẩn bị tư tưởng, hay được đào luyện sẵn cho tình
huống như thế này. Thế này đâu liên quan chút nào đến văn học Anh, văn
phạm hay tập làm văn. Bao giờ tôi mới đủ sức mạnh để hùng dũng vào lớp,
lập tức thu hút sự chú ý của chúng, rồi giảng bài ngay? Trong trường này có
những lớp học sinh yên lặng chăm chỉ, ở đó các giáo viên cầm trịch trong
tay. Gặp nhau trong căng tin, mấy đồng nghiệp đàn anh bảo tôi: Này, cần ít
nhất năm năm đấy.
Hôm sau ông hiệu trưởng mời tôi tới văn phòng. Ông ngồi sau bàn giấy,
vừa nói vào điện thoại vừa hút thuốc lá. Ông lặp đi lặp lại. Tôi xin lỗi.
Chuyện đó không xảy ra nữa. Tôi sẽ nói chuyện với đương sự. Thầy giáo
mới mà, tôi rất tiếc.
Ông đặt điện thoại xuống. Cừu. Chuyện cừu là chuyện gì vậy?
Cừu ư?
Tôi hổng biết nên sử lý thầy thế nào đây. Người ta phàn nàn rằng thầy đã
nói “chết tiệt” trong lớp. Tôi biết thầy mới từ một nước nông nghiệp chân
ướt chân ráo xuống tàu
[15]
đến đây, nên còn lạ nước lạ cái, nhưng thầy
cũng phải có đầu óc bình thường chứ.
Thưa thầy, không. Không phải mới chân ướt chân ráo xuống tàu. Tôi đã
ở trên đất nước này tám năm rưỡi, kể cả hai năm trong quân ngũ, chưa tính
những năm còn bé ở Brooklyn.