Tôi hai mươi bảy tuổi, một anh giáo mới ra trường, lặn ngụp trong quá
khứ của mình để làm hài lòng đám Mỹ choai choai này, để chúng chịu ngồi
yên trên ghế. Tôi thật không ngờ dĩ vãng của mình lại sẽ hữu ích như vậy.
Sao lại có người quan tâm tới cuộc đời khốn khổ của tôi thế nhỉ? Rồi tôi
hiểu rằng đó chính là điều bố tôi đã làm khi ông ngồi bên lò sưởi kể chuyện
cho lũ con. Ông kể về “seanachie” là những người đi lang thang khắp xứ
Ireland, kể hàng trăm câu chuyện họ thuộc lòng. Người nghe mời họ đến
sưởi ấm bên đống lửa, mời họ cùng chia sẻ đồ ăn thức uống và ngồi hàng
giờ liền nghe họ hát kể những câu chuyện tưởng như bất tận, rồi đưa họ tấm
chăn hay chiếc bao tải để đắp khi ngả lưng trên ổ rơm trong một xó nhà.
Nếu chàng hát rong kia cần chút tình cho ấm lòng thì có khi cô con gái lỡ
thì trong nhà cũng đảm đương được đấy.
Tôi tự cằn nhằn mình: Mi lo kể chuyện trong khi lẽ ra mi phải dạy học.
Tôi dạy học đấy chứ. Kể chuyện cũng là dạy học.
Kể chuyện chỉ phí thì giờ.
Tôi biết làm thế nào. Tôi không giỏi giảng bài.
Ông là một tên bịp bợm. Ông lừa gạt con cái chúng tôi.
Chúng nó hình như không nghĩ như quý vị đâu.
Lũ trẻ dại ấy nào đã hiểu gì.
Tôi là thầy giáo ở một trường học Mỹ đang kể cho học trò nghe về thời
tôi cắp sách đến trường ở Ireland. Đó là cách tập cho chúng dễ bảo hơn,
phòng hờ sau này tôi phải dạy thứ gì khó nhá, dẫu ít khả năng xảy ra.
Hồi ở Ireland có lần thầy giáo của tôi chế nhạo rằng trông tôi như thứ bị
mèo tha vào lớp. Cả lớp cười ồ. Thầy nhe những chiếc răng ngựa vàng khè,
họng thầy khò khè cục đờm. Lũ bạn trong lớp xem thế là cười nhạo, nên
cười phụ họa khiến tôi căm ghét chúng hết sức. Tôi cũng ghét luôn cả thầy,
vì biết rằng suốt mấy ngày sắp tới, tôi sẽ nổi danh khắp sân trường là đồ
mèo tha. Giả sử thầy đem một đứa nào khác ra bình phẩm thì hẳn tôi cũng
sẽ cười hùa theo thôi, vì tôi cũng vô cùng hèn nhát, y như đứa ngồi cạnh, rất
sợ ăn roi.
Trong lớp tôi có một cậu không cười hùa theo những đứa khác, tên là
Billy Campbell. Khi cả lớp cười thì Billy chỉ nhìn đăm đăm về phía trước,