về, mũi tôi nghẹt cứng và cả người tôi run rẩy vì ẩm, lần này là tại mồ hôi.
Mẹ tôi than khóc rối cả lên vì đã nhẫn tâm với tôi, để tôi đi học mặc chiếc
áo ẩm xì ấy, chiếc áo ngày một hồng thẫm hơn sau bao trận huyết chiến. Mẹ
đặt tôi lên giường, vùi kỹ tôi dưới bao lớp áo măng tô cũ với cả tấm chăn từ
chính giường của bà, kỳ cho đến lúc tôi hết run, rồi trong mơ mơ màng
màng tôi nghe mẹ than thở với bố rằng gia đình tôi rời khỏi Brooklyn nhằm
ngày xấu nên lũ con mới bị hành hạ trong các sân trường ở Limerick.
Sau hai ngày bệt trên giường tôi trở lại trường trong chiếc áo bây giờ
phơn phớt hồng. Đám trẻ bảo màu hồng dành cho hạng con gái ẻo lả, tôi có
phải con gái không đấy?
Billy Campbell liền sửng cồ với thằng lớn con nhất đám kia. Đừng có
chọc ghẹo thằng Mẽo nữa, Bill nói.
A, thằng lớn con đáp. Đứa nào dám cấm tao chứ?
Tao đấy, Billy nói. Thế là thằng kia đành lỉnh ra tận phía bên kia sân
trường mà chơi. Billy thông cảm hoàn cảnh của tôi, vì bố anh là người
Dublin
[18]
nên thỉnh thoảng anh cũng bị bọn kia chọc ghẹo.
Tôi kể những mẩu chuyện về Billy, vì tôi thán phục cái lối anh dũng
cảm. Một trong những học trò của tôi ở McKee giơ tay rồi bảo rằng tôi thán
phục Billy là phải thôi, nhưng chẳng phải vì khẩu âm Mỹ của tôi mà tôi đã
chọi với cả đsam, thành ra tôi cũng đáng tự hào chứ? Tôi đáp: Không, tôi
chỉ làm những gì buộc phải làm vì trong ngôi trường Ireland ấy ai cũng chế
nhạo và chèn ép tôi cả, vậy nhưng cậu học sinh Mckee mười lăm tuổi vẫn
khăng khăng: Thầy có quyền tự hào, miễn đừng quá lố, vì sẽ thành khoác
lác. Ok, tôi đáp, tôi tự hào vì đã chống trả nhưng tôi không được dũng cảm
như Billy, bởi anh đã hành động không phải vì bản thân mà vì người khác.
Anh chẳng nợ nần gì tôi, vậy mà vẫn bênh vực tôi, thành ra tôi mong một
ngày nào đó cũng sẽ được cái lối dũng cảm như anh.
Học trò hỏi thăm về gia đình tôi. Từng mảng quá khứ liền lần lượt hiện
ra trong đầu tôi. Tôi nhận ra mình đang khám phá chính mình và tôi kể câu
chuyện này giống như mẹ tôi đã từng kể với bà hàng xóm.