nhưng giờ đây ông cứ giữ rịt trong đầu khiến mặt tôi đỏ như gấc, chân này
vấp chân kia.
Xấu hổ quá, tôi cắm đầu cắm cổ đạp xe trên đường O’Connell. Rồi tôi
nhớ lại sáu xu đã bỏ vào hộp thiếc, tiền để họ ca hát và uống Whisky ở quầy
khách sạn Hanratty. Tôi thật muốn quay lại, chất vấn gánh hát và riêng
Hamlet, nói cho họ biết tôi nghĩ gì về họ, về sự mệt nhọc họ bịa đặt rồi cái
kiểu uống mềm môi với đồng tiền của những người nghèo khó.
Thôi thí cho họ sáu xu ấy. Vì nếu tôi quay lại, họ chắc chắn sẽ phun
những lời nào đấy của Shakespeare lên đầu tôi, còn Hamlet sẽ lại đăm đăm
nhìn tôi với đôi mắt đen lạnh lùng. Tôi sẽ chẳng biết đường nào đối đáp,
còn nếu cố tình trừng trừng nhìn lại với đôi mắt đỏ kè thì chỉ tổ nom hết sức
ngu xuẩn thôi.
Lũ học trò của tôi bảo rằng bỏ ra những ngần ấy tiền cho một quyển
sách của Shakespeare là dại, không phải xấu miệng, nhưng nếu thầy nhất
định lòe người khác, sao thầy không vào thư viện chép lại mọi trích dẫn.
Với lại, phải khá ngớ ngẩn thì thầy mới lóa mắt trước một tay diễn viên, chỉ
vì gã đã trích dẫn nhà thơ già chẳng ai đọc nổi này. Thỉnh thoảng truyền
hình vẫn chiếu kịch của cụ Shakespeare đấy, nhưng chẳng ai hiểu câu nào
thì chiếu làm gì chứ? Tiền cho quyển sách lẽ ra thầy nên để mua gì đấy hay
hơn, như giày hay một chiếc áo khoác đẹp, hoặc, thầy biết đấy, mời một cô
gái đi xi nê.
Có mấy nữ sinh bảo rằng tôi định lấy le với thiên hạ bằng Shakespeare
là rất ngầu, dù người ta sẽ chẳng hiểu tôi nói gì hết. Tại sao ông
Shakespeare này cứ phải viết một thứ văn cổ lỗ sĩ chẳng ai hiểu nổi? Tại
sao?
Tôi chẳng biết nên trả lời thế nào. Chúng cứ hỏi tới: Tại sao? Tôi bị dồn
vào ngõ bí, mà cũng chỉ biết đáp rằng mình không rõ. Nếu chúng chịu khó
chờ thì tôi sẽ cố tìm hiểu tại sao. Chúng đưa mắt nhìn nhau. Thầy cũng
không biết nốt. Sao thế được nhỉ? Có thật không? Wow. Làm sao ông ấy
thành thầy giáo được nhỉ?
Này, thầy ơi, thầy còn nhiều chuyện nữa không?
Hết rồi. Hết rồi. Hết rồi.