trên tàu xuống nước Mỹ, ngớ nga ngớ ngẩn như con chim sẻ non rơi khỏi
tổ.
Không, tôi không phải mới chân ướt chân ráo từ trên tàu xuống. Tôi
từng ở trong quân đội. Thế thì làm sao tôi ngớ ngẩn được? Tôi đã từng làm
nhiều nghề rồi. Tôi đã làm việc ở bến cảng. Và tôi đã tốt nghiệp Đại học
New York.
Thầy thấy chưa? Bà bảo. Ý tôi chính là thế đấy. Tôi chỉ hỏi một câu đơn
giản mà thầy lại đi kể lể chuyện đời thầy. Thầy nên lưu ý chính điểm ấy đi,
thầy McCurd ạ. Lũ trẻ không cần phải biết chuyện đời của từng ông thầy ở
trường. Hồi xưa tôi học trường bà sơ. Các bà còn không thèm chào hỏi học
trò nữa cơ. Hễ đứa nào hỏi về đời các bà, các bà bảo hãy lo chuyện mình đi,
rồi nhéo tai và gõ tay đứa đó. Thầy hãy cứ lo dạy chính tả với từ vựng đi,
thầy McCurd ạ, rồi phụ huynh học sinh trường này sẽ mãi mãi nhớ ơn thầy.
Thầy thôi kể chuyện đời đi cho. Nếu cần biết chuyện, chúng tôi xem truyền
hình hay đọc tạp chí Reader’s Disgest ở nhà cũng được rồi.
Tôi đã cố gắng. Tôi cứ nghĩ rằng mình ưng là một ông thầy Anh văn
cứng cỏi không-nhăng-cuội, nghiêm khắc và uyên bác, thỉnh thoảng cũng
cho phép mình cười trước học trò, nhưng không hơn nữa. Gặp nhau trong
căng tin của giáo viên, các thầy đàn anh bảo tôi: Phải nắm cho bằng được lũ
ôn này, anh bạn trẻ ạ. Nhân nhượng chúng một li là chúng sẽ đi luôn một
dặm không thèm quay lại cho mà xem.
Tổ chức quyết định tất cả. Tôi sẽ làm lại từ đầu. Lập chương trình cho
từng lớp, theo đó mỗi phút đều sẽ còn đọng lại cho đến cuối niên khóa. Tôi
là thuyền trưởng, tôi sẽ quyết định hướng đi. Chúng sẽ thấy được quyết tâm
của tôi. Rồi chúng biết con tàu sẽ đi tới đâu và tôi chờ đợi gì nơi chúng,
bằng không…
Bằng không… Vâng, thầy ơi, mọi nhà giáo đều nói thế cả. Bằng
không… Chúng em cứ tưởng thầy làm khác họ, vì thầy đến từ Ireland với
này nọ kia.
Đã đến lúc phải nắm quyền chỉ huy. Đủ rồi, tôi nói. Quên những chuyện
Ireland này nọ đi. Không kể chuyện nữa. Không nhăng cuội nữa. Từ nay