quán White Horse làm một ly bia với bánh Hamburger, ngồi trên quảng
trường Washington ngắm nhìn các nữ sinh viên diễm kiều của Đại học New
York thơ thẩn qua lại, vĩnh viễn quên trường Trung học Hướng nghiệp và
Kỹ thuật McKee. Quên vĩnh viễn. Rõ ràng là tôi dạy những điều đơn giản
nhất mà cũng không tránh khỏi sự chống trả của học trò. Sự kháng cự của
chúng. Một câu đơn giản với chủ từ, vị ngữ và có thể, một ngày nào đó nếu
còn dạy về đề tài này, túc từ - trực tiếp và gián tiếp. Tôi không biết nên làm
gì với đám học trò. Thử dọa chúng kiểu cổ điển xem sao. Chịu khó học
bằng không các em sẽ thi trượt. Nếu thi trượt là các em sẽ không có bằng
cấp, không có bằng cấp thì sẽ như thế, như thế. Tất cả bạn bè các em ra đời
rộng thênh thang, treo tấm bằng tốt nghiệp trung học của họ trên bức tường
văn phòng, thành công, được mọi người kính nể, không trừ một ai. Sao các
em không thể nhìn câu này rồi gắng thử học lấy một lần trong cuộc đời
thiếu niên đáng thương của các em.
Lớp nào cũng có "làn sóng điện" riêng. Có những lớp ta thích và cứ
mong lại sớm có tiết dạy ở đó. Học sinh biết ta yêu quý chúng và chúng
cũng yêu quý ta. Đôi khi chúng bảo ta rằng đó là một bài học khá hay và ta
sướng như mở cờ trong bụng. Điều đó cho ta thêm năng lực và ta thật muốn
ca hát trên đường về nhà.
Có những lớp ta chỉ muốn xuống phà sang bên Manhattan, không bao
giờ trở lại. Cung cách chúng vào cũng như rời lớp có gì đó thù địch, cho
thấy chúng nghĩ gì về ta. Cũng có thể ta chỉ tưởng tượng thôi, nếu ta cố
nghĩ cách lôi kéo chúng về phía mình. Ta thử dạy những bài có kết quả tốt ở
những lớp khác, song chẳng ăn thua gì. Đó là do cái "làn sóng điện" kia.
Chúng nhận thấy khi ta nhượng bộ. Chúng bẩm sinh rất nhạy trong
chuyện phát hiện nỗi thất vọng của ta. Có những ngày tôi chỉ muốn ngồi ì ở
bàn mình, mặc cho chúng muốn làm chết tiệt gì thì làm. Đơn giản vì tôi
không đến được với chúng. Đến năm 1962 là đã bốn năm dạy học, tôi
chẳng buồn quan tâm nữa. Tôi tự nhủ chẳng có chuyện gì khiến mình phải
quan tâm. Ta chiêu đãi chúng những câu chuyện về thời thơ ấu khốn khổ
của ta. Chúng xì xào ra vẻ thương hại ta. Ô, tội nghiệp thầy McCourt chưa,
trưởng thành ở Ireland chắc là kinh khủng lắm. Như thể chúng quan tâm