cỡ không dám nhìn Rob. Không phải nó lo bò trắng răng, vì nó là đứa đầu
tiên phải đi. Phần lớn trong Thập nhân đội của bố nó vẫn còn thất nghiệp.
Trong chín người này chỉ có một đủ khả năng và muốn nhận một đứa cho
gia đình ông ta. Cùng với Samuel, những búa và cưa của Nathanael cũng
được đem đến nhà ông Turner Home, một thợ cả ở cách đó chỉ sáu căn nhà.
Hai ngày sau một linh mục tên Ranald Lovell cùng đến với cha Kempton,
người đã làm thánh lễ cho cả bố lẫn mẹ chúng. Cha Lovell nói ông được
chuyển lên miền Bắc nước Anh và muốn nhận một đứa. Ông quan sát cả bọn
rồi thấy thích thằng Willum. Ông cao lớn, khỏe mạnh, mái tóc vàng nhạt và
đôi mắt xám mà Rob bảo rằng có cái nhìn thân mật.
Mặt trắng bệch và run rẩy, em nó chỉ còn biết gật đầu khi theo hai ông cha
đạo ra khỏi nhà.
“Tạm biệt, William,” Rob nói.
Nó suy nghĩ rất lung, không biết có giữ được hai đứa nhỏ nhất chăng.
Nhưng rồi nó chia hết những thức ăn còn lại của đám tang bố; nó có đầu óc
thực tiễn. Jonathan và cái áo da chẽn cũng như thắt lưng gài đồ nghề của bố
nó được chia cho một người thợ phụ tên là Aylwyn trong Thập nhân đội của
Nathanael. Khi bà Aylwyn tới, Rob giải thích rằng Jonathan đã được dạy
dùng bô rồi, nhưng những lúc thằng nhỏ sợ thì vẫn cần tã. Bà ta cười, gật
đầu nhận thằng nhỏ cùng với lô quần áo đã xạc xờ vì giặt.
Bà vú nhận thằng út Roger mà bà đã cho bú, cùng với đồ thêu của mẹ
chúng nó. Richard Bukerel cho Rob biết như thế vì nó chưa hề gặp bà này.
Con bé Anne Mary cần phải gội đầu. Rob gội cho em rất cẩn thận như nó
đã được dạy, nhưng vẫn có tí xà bông lọt vào mắt làm con bé bị xót. Nó lau
khô tóc em, ôm em khi con bé khóc, ngửi mái tóc nâu màu da hải cẩu có
mùi thơm như tóc mẹ.
Hôm sau vợ chồng người thợ làm bánh mì tên Haverhill đến lấy những đồ
gỗ còn lành lặn và đem Anne Mary về ở phía trên cửa tiệm của họ. Nắm
chặt tay em gái, Rob dẫn con bé về nhà họ. Tạm biệt nhé, em gái bé bỏng.
“Anh thương em, cô bé Anne Mary của anh,” nó ôm chặt em, thì thầm. Còn