15
LÁCH CÁCH LÁCH CÁCH. Chi chát chi chát. Sàn sạt sàn sạt. Xoèn
xoẹt xoèn xoẹt. Toóc toóc toóc toóc. Tiếng cưa, tiếng đục, tiếng bào... Một
không gian phối ngẫu tiếng trầm đục, tiếng thanh trong. Hòa tấu của một bộ
nhạc gõ. Một không gian lên hương. Hương gỗ mộc mạc trong sạch hiền
từ. Đã quen hơi bén tiếng. Đã vào nỗi nhớ. Giống như kỹ thuật đã xâm
nhập vào đôi tay, tri thức đã in hằn trong nếp nhăn vỏ não. Sau cùng thì kỹ
năng đã biến thành kỹ xảo. Kỹ xảo đã thành thói quen, thành tiềm thức,
thành bản năng, thành năng lực. Một năng lực tạo nên cái đẹp!
Mồ hôi sâm sấp lưng. Mắt nhăm nhắm. Thầy Quang Tình đứng dé chân
chèo cạnh chiếc cầu bào. Hai tay nắm hai cái tay bào, chỉ cần đẩy nhẹ một
hơi là chiếc bào dài bảy mươi phân trướt đi trên một mặt phẳng thật trơn tru
phóng khoáng. Bào có bào thẳm dài, bào cóc ngắn. Bào có bào phá, bào
thô, bào lấy mặt phẳng. Nguyên tắc của bào là đáy bào bao giờ cũng phải
tiếp xúc với mặt gỗ. Bào là kỹ thuật khó nhất trong nghề mộc. Thế nên mới
có câu thợ mộc khoe: Tôi đẻ ra trên cái lòng bào. Khó từ cách lắp lưỡi bào.
Tinh vi lắm, vì tùy theo yêu cầu độ phẳng của mặt sản phẩm, tùy theo loại
gỗ mà có tính toán hợp lý về độ giãn cách giữa lưỡi bào và trục bào. Cái kẽ
hở giãn cách đó có khi chỉ một ly, một sợi tóc thôi. Thợ cả, thợ có tay nghề
cao mới biết mài lưỡi bào và xác định đúng độ nghiêng của lưỡi bào và trục
bào. Mặt gỗ dù cứng đến đâu, nhiều mặt sẹo đến đâu cũng vậy, đường bào
cũng không thể lập bập. Người bào giỏi, trông phoi bào ra cũng biết.
Đó, từ lòng bào của thầy Quang Tình, phoi bào đang đùn ra đã mỏng
tang lại chun xoăn. Ôi, những sợi phoi bào. Lồng phồng trên bàn tay. Óng
ánh những đường vân nâu nâu tím tím. Nhẹ tênh như không có trọng lượng.
Mà sực nức ngay vào khứu giác mùi thơm của thảo mộc, chất phác lành