- Ông thầy ra đề: Phoi bào dài hai mét không được đứt đoạn!
- Chà!
- Thầy nhớ cho: Dài hai mét, tức là gấp rưỡi sải tay tôi mà liền mạch,
không đứt đoạn mới hãi chứ. Thế mà mình làm được. Hỏi có ghê không?
Hạ giọng xuống một nấc, ông Văn Chỉ thở ào một hơi:
- Bào là đệ nhất kỹ thuật, thầy ạ. Nên mới có câu: Thợ mộc nước bào,
thợ rào nước tôi. Mặt gỗ của người thợ bào tay nghề cao, sờ vào thấy mát
lịm cả bàn tay ấy chứ.
Ngừng lời, ông phó mộc nhấc thanh gỗ thầy Quang Tình vừa bào xong
lên ngang tầm mắt:
- Nhưng mà đố thầy, thanh gỗ này thuộc loại gỗ gì nào?
- Tôi đoán nó là một trong bốn loại tứ thiết. Vì thấy cứng lắm.
- Thế đấy! - Ông Văn Chỉ gật đầu - Mọi thứ trên đời đều chia chủng loại.
Mà thường chỉ có bốn. Ngoài biển thì có chim thu nụ đé. Quý vật thì có
long ly quy phượng. Còn gỗ thì tứ thiết đinh lim sến táu. Loại này mặt gỗ,
tiếng chuyên môn của thợ gọi là tom gỗ, đều rất mịn, rất lì, rất nhẵn. Gỗ
nhóm một như nu, tếch, cẩm... mặt gỗ cũng mịn, nhưng không sang và
khôn bằng. Không như tứ thiết, như sờ vào da thịt gái tơ. Êm êm ấm ấm,
nồng nồng... Hà, mặt gỗ như mặt người ấy, thầy ạ, có sang có khôn, có hèn
hạ, bẩn tưởi...
Nhay nháy con mắt bên trái, ông Văn Chỉ ghé tai thầy:
- Gỗ nó như da thịt đàn bà ấy thầy ạ. Mùa hè thì mát. Mùa đông thì cũng
như mông đàn bà, nó là đống rấm. Không tin thầy cứ nằm trên bộ ghế ngựa
xem. Mà thầy có nghe nói, ở bên Nhật người ta phát hiện ra điều này
không. Mùa đông ấy mà, đàn ông đàn bà nằm cùng nhau, muốn ấm thì
cùng cởi chuồng cả ra, thầy ạ.
Một vạt nắng chiều vàng ánh xiên chéo vào góc xưởng mộc khiến khung
cảnh hừng sáng hẳn lên. Thấy thầy Quang Tình đưa mắt nhìn vạt nắng, biết
là câu chuyện mình vừa nói không được tiếp nhận mặn mà, ông phó mộc
liền dừng lời. Ông đâu có biết, lúc đó thầy Quang Tình đang ở trong trạng