- Ông nghĩ gì thế, Quang Tình?
- Mình nói thế này không hiểu có đúng ý ông không?
- Thầy Lễ đà đận - Mình bảo, “Thầy Hủ à, chúng tôi buồn đau thì có
buồn đau, nhưng về lâu dài thì chẳng oán thán gì thầy đâu. Lịch sử nó vốn
ngoằn ngoèo dích dắc, lẫn lộn bi hài như thế mới là lịch sử. Chúng tôi
không phải là hạng người bụng dạ hẹp hòi. Sống phải độ lượng. Văn hóa nó
dạy người ta phải sống thế!” Không ngờ ông ấy bưng miệng bật khóc, ông
ạ. Khóc tu tu như trẻ con ấy.
Lặng đi có đến mấy phút, rồi thốt nhiên thầy Quang Tình đứng dậy, từ từ
bước sang phía thầy Bùi Lễ và đột ngột hai người đàn ông ôm choàng lấy
nhau.
Lát sau rời khỏi nhau, thầy Quang Tình trở về cỗ cũ, thầy Lễ liền nhìn
bạn, trầm ngâm:
- Thú thật hôm nay được gặp và trao đổi tâm tình với Quang Tình mình
rất mừng. Từ lâu mình đã âm thầm nghĩ thế rồi. Không bực tức, không oán
hận. Chỉ thấy thương cho dân tộc mình. Thương cho cả thầy Hủ. Thương cả
một thời ấu trĩ. Thương những lầm lạc của con người. Thương lắm! Sao lại
có một thời con người cứ làm khổ nhau, cứ ép buộc nhau, cứ chuyên quyền
độc đoán một mình một chân lý thế nhỉ? Tội nghiệp! Còn nhớ cái buổi
chiều chúng mình, những người bạn của một thuở trong trẻo và gian nan,
đưa tiễn vợ chồng cậu ở ga Làng Giàng không? Một mình làm cả cuộc
phân ly, đã là nặng nề lắm rồi. Mà cuộc chia ly của chúng mình hôm ấy kể
cả Thắm nữa là bốn thì còn kinh khủng đến đâu. Lúc ấy cậu nói một câu
mà mình nhớ mãi. Cậu nói cậu có buồn. Nhưng cậu còn thương nữa.
Thương cả cái ông gì học viên đứng lên đọc bài khóc hu hu ấy.
Dứt lời, nhìn xuống bàn ăn, nâng cốc rượu trên tay, giọng thầy Lễ tươi
tỉnh trở lại:
- Thôi, Quang Tình, uống nốt cốc rượu này coi như cho qua đi tất cả
chuyện cũ. Coi như đọc sách, hết chương sách cũ giở sang một chương
sách mới đi.