trong bàn tay bà. Ông giỏi tiếng Anh, ông viết cho mình ba chữ: con ngựa,
con mèo và con chuột ra tờ giấy này cho mình xem nào.
Nhấc tờ giấy có ba chữ Horse, Cat và Mouse thầy Quang Tình vừa viết,
thầy Lễ vỗ bộp hai bàn tay, thích thú:
- Cũng là ba chữ này mà ông biết không, dưới ngòi bút của bà ấy, chữ
Horse hiện trong hình con ngựa. Hai chữ Cat và Mouse trong giây lát thành
một hoạt cảnh với hình chú mèo đứng cạnh chú chuột. Mới hay, nghệ thuật
chính là từ sự thường tình một khi biến huyền trở thành sự phi thường.
Chặc chặc lưỡi, thầy Lễ tiếp:
- Ông là thầy dạy văn, chắc ông biết: Trong bảo tàng của Pushkin ở
Mátxcơva có cây bút lông ngỗng của Goethe tặng thi hào. Nhà thơ Ba lan
Adam Mickiewicz nói: “Tôi sẵn sàng đổi nửa đời người để cũng được như
thế!” Còn mình, nói không phải khoe, vừa rồi có dự thi viết chữ đẹp toàn
quốc. Bài thi thứ nhất là viết lại bài thơ Nam quốc sơn hà, mình ẵm cái giải
nhất. Còn bài thứ hai: điền chữ khuyết thiếu vào hai câu ca dao Tháp Mười
đẹp nhất hoa sen... thì mình được khuyến khích.
- Mình đoán nhé, chắc chắn là ông đã mở lớp dạy trẻ viết chữ đẹp?
- Đúng. Nhưng dạy trẻ trong ngõ xóm này thôi. Mà dạy miễn phí, ông ạ.
Tuất bảo: “Mình em buôn bán cũng đủ ăn. Đâu là cái tài của anh, anh cứ
tha hồ thi thố cho thỏa những lúc bị ức chế.” Thế là mình theo ông Tú
Xương, ăn lương vợ làm cả cái việc này nữa. Đây cho ông xem.
Thầy Bùi Lễ kéo cái cặp bìa ở dưới gầm chiếc bàn ăn lên, cởi dây chằng,
mở ra. Chà! Cả một chồng đơn thư người xa gần gửi đến nhờ viết hộ. Giờ
mới biết, hoá ra chỉ trong một địa hạt nhỏ như cái hạt vừng là cái huyện này
mà còn khối người mù chữ. Và cũng còn lắm người có học hẳn hoi mà câu
cú viết không thành. Chữ như gà bới. Giờ mới biết, hoá ra oan ức của
người dân còn nhiều. Đây, thư khiếu tố vì bị cướp mất đất. Đây, đơn tố cáo
kẻ có quyền chức ở xã ức hiếp trù dập không cho con em họ đi học, đi làm.
Này đây nữa. Thật không ngờ, kẻ có hoa tay viết chữ đẹp xưa chuyên viết
bằng khen giấy khen là mình nay lại phải làm cái việc là viết giấy kêu oan
hộ người!