Hai người cạn cốc rượu nặng, mặt cùng đỏ gay đỏ gắt. Và câu chuyện
tiếp theo đã là một khúc giao hưởng hoàn toàn khác hẳn. Nó tưng bừng, rộn
rã và tươi vui khác thường.
Lại mở đầu là Bùi Lễ, giọng có thêm khí lực của men cồn:
- Quang Tình ơi, là dân văn chương, hẳn là ông vanh vách thơ của quan
Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ? Vậy ông thích nhất câu nào?
- Kiếp sau xin chớ làm người. Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
- Đúng rồi. Nhưng mình xin bổ sung thêm. Còn mấy câu này nữa: Trời
đất cho ta một cái tài. Giắt lưng dành để tháng ngày chơi. Thiên sinh ngã
tài, tất hữu dụng. Trời sinh ta có tài, ắt phải có lúc dùng.
Biết ngay mà, thầy Quang Tình chợt nghĩ và đoán định của thầy ngay
sau đó đã được chứng minh là hoàn toàn chính xác. Thầy Lễ đã đưa cơn
hứng khởi vào câu chuyện chữ viết, cái tài độc đáo của thầy. Thầy bảo: Bây
giờ trong nhiều trường học người ta đang bỏ dần môn dạy chữ viết tay rồi.
Máy vi tính phát triển với tốc độ phi mã, phổ biến ngang cùng ngõ hẻm.
Nhưng như thế chả lẽ chữ viết tay sẽ mai một và mất hẳn? Không! Ngay ở
nước Mỹ, khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới thế mà chữ viết tay vẫn
còn được người ta coi trọng lắm.
- Vừa rồi, - thầy Lễ nói - Bà Margaret Shepherd người Mỹ là một người
nổi tiếng về lĩnh vực này sang ta. Bộ Giáo dục và Đào tạo có giới thiệu bà
ta gặp mình. Bà cho biết hàng năm, bà vẫn phải viết cả ngàn bằng tốt
nghiệp cho sinh viên. “Chữ viết tay không mất được.” Bà nói. “Chữ viết tay
còn mãi. Đó là một sở thích, một thú vui, một nét văn hóa. Một cái thú
thẩm mỹ của con người.” Chồng bà là kỹ sư. Nhưng khi cần gửi cho ai đó
lời nhắn quan trọng, ông đều viết chữ bằng tay. Bà bảo: “Chữ viết đẹp hay
xấu, không thành vấn đề. Vấn đề là, chữ viết là gương mặt của người viết.
Là tâm hồn, tính cách, lao động của người viết.” Tuần trước mình theo bà
xem bà dạy Thư pháp cho sinh viên Việt Nam. Dõi theo từng nét bút trong
tay bà lên trang giấy, thấy hồi hộp như đón nhận một điều kỳ diệu gì đó sắp
xảy ra. Tài tình làm sao, sự biến hóa khôn cùng và vi diệu thay nét bút