23
GIẤC MỘNG gặp Già chỉm cùng với nỗi khắc khoải lo âu của Thắm
đúng là có tính tiên báo thật. Thấy Thắm đột ngột trở về làng Nhuần, chị
dâu mừng quá, bật khóc tu tu. “Đã mấy lần tôi định gọi điện nhắn tin mà lại
ái ngại cho hoàn cảnh neo đơn của cô chú” - chị dâu nói, rồi tiếp, nếu kể từ
xa thì phải nói là từ ngày pò Rúm mất vì oan ức, tính nết anh Siểu đã có ý
khang khác rồi. Mấy năm gần đây thì càng khác nữa. Đến đầu năm nay thì
nhiều khi không còn là anh nữa rồi. Từ một người trai trẻ vui vẻ, như con
chim sơn ca, nhiều lúc anh như ông già lụ khụ, lầm lì cả ngày có khi
chẳng nói một câu. Hội diễn dân ca tỉnh năm tổ chức hai lần, trước nay
không năm nào anh vắng mặt, lại còn hai lần lĩnh huy chương vàng về, nay
thì anh chẳng đoái hoài. Đầu năm có người ở Sở Văn hóa tỉnh vượt núi trèo
non đến làng tìm anh, nói anh làm hồ sơ, ghi chép lại tất cả các khúc hát
anh đã sáng tác, các hoạt động xây dựng phong trào, để tỉnh xét phong
Nghệ nhân ưu tú và Ca sĩ tài tử dân gian, anh chỉ ừ hữ cho qua chuyện.
Người nọ đi, thấy anh không động tĩnh gì, chị dâu nhắc nhở thì anh nói:
“Tôi không là con chim Sroong ló bị con chim Ca ca ở dưới đất lừa rồi mất
tổ trên cây đâu.” Có khúc mắc gì và ai là con chin Ca ca đây?
Trời chuyển vào thu, ve sầu thôi dóng dả khúc ca mùa hạ, lá cây sau sau
sau nhà đổi sang màu vàng thì một hôm thấy anh dẫn con ngựa bạch, con
ngựa đã từng đi đón thầy Quang Tình về làng, lên huyện thay móng sắt, rồi
hôm sau, leo lên mình nó, huých gót chân vào bụng nó, thúc nó đi. Chị dâu
chạy tới mép suối, gần dãy cối gạo thì đuổi kịp. Hỏi thì anh bảo: “Ở nhà lo
làm ăn, đừng mải nghe chim quanh quý hót lỡ buổi cầy, tôi đi thăm bạn
hát.”