Ông Văn Chỉ nói đến đó thì tắc nghẽn. Một cơn ho đã dội ngược lên từ
ngực ông. Như một hiệu ứng dây truyền, thầy Quang Tình cũng vội ôm
ngực và ngồi rũ xuống. Một cơn ho đã xuất hiện và kéo dài tưởng không
bao giờ dứt đã khiến mặt thầy đỏ rửng và hút cạn sức lực của thầy. Chống
tay vào cái cầu bào thầy mới đứng lên được. Đứng lên được, nhưng cơn ho
vẫn còn mắc trong cổ và với hai mắt lòe nhòe, thầy nhìn thấy ông Văn
Chỉ, một dáng hình quái lạ như lần đầu thấy ông. Ông Văn Chỉ, người thầy
phải tri ân. Ông Văn Chỉ, một người thợ thủ công lành nghề. Một tiểu trí
thức khôn ngoan. Một kẻ gá bạc láu lỉnh đa sự. Một thực thể vong thân.
Một tấm lòng. Một dấu hỏi. Một sản phẩm của một thời đoạn nhố nhăng
nham nhở!
Chặn một tiếng ho, thầy Quang Tình bước lại gần ông Văn Chỉ và đăm
đắm nhìn ông, chân thành và tha thiết:
- Sư phụ! Cám ơn sư phụ. Nhưng sư phụ đừng làm thế! Đừng làm thế!
Làm thế phải tội chết. Mà nghề mộc ta vốn là nghề lương thiện nhất trên
thế gian, sư phụ à! Sư phụ! Tôi rất biết ơn sư phụ. Không bao giờ tôi quẳng
cái gánh nặng ơn nghĩa với sư phụ trên vai tôi đâu. Tôi sẽ mang vác nó suốt
đời. Sư phụ đã có lần nói đến ông Friedrich Nietzsche, triết gia lỗi lạc của
nhân loại. Thế thì đây, chính ông Nietzsche ấy đã có lần nói: “Tri ân tốt
nhất là không làm học trò nữa.” Nhưng không, tôi vẫn là học trò của sư
phụ, và vẫn luôn kính trọng ngưỡng mộ thầy. Chỉ riêng việc này thì...
Bỏ lửng câu nói cuối cùng, thầy Quang Tình chụp chiếc mũ vải lên đầu,
lặng lẽ đi ra khỏi xưởng mộc. Trời lúc này đã tang tảng sáng. Choáng
choàng, ông phó mộc nhào ra cửa, vạt áo choàng vướng móc cửa rách toạc
một miếng dài, hớt hải đuổi theo thầy, ông kêu khào khào:
- Thầy Quang Tình, mong thầy hiểu cho tôi. Mong thầy hiểu cho tôi!