bếp thì thấy bóng một con mèo đen. Một con mèo hoang đang la liếm cạnh
cái chảo trên bếp lò. “Tóm tên thổ phỉ này rồi gọi chúng nó xuống nổi lửa
đi!” Anh Trí bảo tôi. Thì cũng là thói quen săn bắt thú rừng ăn thịt đêm
đêm từ hồi còn đánh giặc ở Trường Sơn mà. Hưởng ứng dự định của anh,
tôi vòng ra phía sau con mèo. Bắt mèo không phải là dễ. Biết vậy nên anh
Trí cầm con dao nhọn lao thẳng tới chỗ con vật với ý định trước hết xả cho
nó một nhát vào lưng. Không ngờ nền nhà bếp lênh láng nước trơn chuồi
chuội, anh trượt chân ngã, đầu vập vào thành lò và lưỡi dao nhọn chẳng
hiểu sao lại quay ngược lại chọc thẳng ngay vào bụng anh. Kinh hoàng, tôi
vội chạy lại đỡ ngang lưng anh và cầm lấy chuôi con dao rút mạnh ra, nghĩ
là để kịp thời cứu anh.
Trọng chứng hơn trọng cung. Vết tay tôi trên cán dao đã đủ để tố cáo tôi
là kẻ giết người rồi. Và còn gì nữa? Tôi giết anh Trí vì anh là cái tội cái nợ
của tôi. Kiểm tra môn Vật lý học kỳ vừa qua, do không giúp anh có được
điểm ba nên tôi không được kết nạp Đoàn và đó là lý do khiến tôi giết anh.
Tôi giết anh vì anh có tính sĩ diện, đã dốt lại hay cãi ngang. Có bận anh còn
chê tôi kém trước mặt cô Ngà hoa khôi của lớp. Thôi thì còn thiếu gì lý do
mà mọi người không cố tình nại ra để đẩy tôi vào vòng tội lỗi. Chúng khẩu
đồng từ, ông sư cũng chết!
Tôi bị kết án tù mười năm và đi cải tạo tại trại giam Thái Biên gần
trường Bổ túc Văn hóa Công Nông của thầy Quang Tình. Khỏi phải nói lúc
bấy giờ tôi buồn nản đến thế nào. Nghĩa đời trong ba tiếng: Máy điện
giục gầm gừ. Chuông đạo hát vô tư. Kẻng tù khua gắt gỏng. Đọc tập thơ
“Từ ấy” của Tố Hữu có bao giờ lại nghĩ rằng rồi có lúc mình lại được nghe
tiếng kẻng tù? Kèng kèng kèng... tiếng kẻng tù phát ra từ một cái vành xe ô
tô rỉ sét. Kẻng báo dậy. Kẻng báo đi làm đường, đi phá đá, đi trồng trọt. Sợ
nhất là tiếng kẻng ngũ liên báo có tù trốn trại. Đến năm thứ hai thì tôi được
học nghề. Hồi đó nữ thì có nghề may, nghề dệt thảm, nghề khâu bóng da.
Nam thì có nghề rèn, nghề mộc. Vục đầu vào học, tôi cố quên đi tất cả nỗi
đau buồn của tôi và của bố tôi. Người dạy nghề là một bác già gần sáu
chục, người Hà Nam. Ông chính là con trai một người thợ mộc đã góp phần