thợ sơn tràng thì quan trọng nhất của kỹ thuật là điều khiển cây đổ theo ý
mình. Bởi vậy trước khi đốn chặt một cây nào thì phải làm công việc phát
luồng xung quanh cây đó ít nhất là trước ba bốn tháng. Nghĩa là quanh cái
cây định đốn hạ nhất thiết phải quang đãng cái đã. Rắc rắc... Nghe tiếng lõi
cây vặn mình, trật ra khỏi gốc, rùng rợn như chứng kiến một cơn bão rừng.
Nhất là khi nhìn lên trời, thấy các vòm lá rung chuyển, rũ rượi tả tơi, rồi cái
thân cây khổng lồ đang tự dưng nghiêng dần nghiêng dần, thì kinh hồn
hoảng sợ đến mức có cảm tưởng là trời sắp sập. Đốn hạ một cây cổ thụ,
một việc động trời. Thành ra, lúc đầu nhiều khi không còn giữ được bình
tĩnh, thấy cây sắp đổ là cuống cuồng chạy tóe đi. Rồi quay lại ngước lên
thấy một khoảng trời đang râm tối bỗng trắng hoe ra, rồi sau đó thình lình
ầm một tiếng như bom tấn nổ, chuyển rung cả một khu rừng, thì kinh sợ
đến mức còn thấy lại trong giấc mơ. Dù đã đốn hạ cả chục cây, trăm cây,
mỗi lần ghe thấy tiếng hò “Đổ rồi!” vẫn là một lần giật mình, một lần kinh
hoảng, vì sự kiện này quá tầm cảm nhận, không sao có thể làm quen được.
Thế đó, hạ đốn cây quả là một hành động táo gan, thách thức ông trời! Tất
nhiên, không bị vướng víu dây leo cây bụi, cây sẽ dễ dàng đổ theo ý mình.
Sợ nhất là phải chặt những cây cụt ngọn, không nhánh cành. Một khi đổ
xuống là nó lao bất tử, không thể lái theo hướng mình chọn. Lái hướng này,
nó lại theo hướng khác. Có lần nó lao vun vút, hùng hổ như con thú xổng
chuồng rồi đâm phịch, găm sâu vào một khe đá. Bẩy sao được cái mũi của
nó ra bây giờ!
Cực nhọc lắm! Nhưng đó là những năm tháng dạy con người phải biết
cắn răng lại. Cực nhọc lắm, nhưng dẫu sao cũng còn là một đời sống cần
lao sung sướng vì tự do. Thêm nữa, lao khổ là trường rèn luyện sức chịu
đựng cho con người. Hãy tưởng tượng: một cây gỗ đại thụ đổ bị kẹt chặt
giữa hai khe đá. Lôi nó ra thế nào đây? Bẩy, kích, kéo. Dây tời. Ròng rọc.
Đòn ngang, đòn dọc. Dô tá dô tà. Đủ hết. Và vừa làm vừa có cảm giác
ngoài sức voi ra là bó tay. Vậy mà cuối cùng, cây gỗ vẫn ra được bãi gỗ. Và
thế là bắt cua được cả ếch. Sức chịu đựng, sức căng nẩy, sức bật, sức rướn
từ môi trường khắc nghiệt này mà có đây. Nên sau này mới có thể làm được