này, ông là một kẻ xa rời hoàn toàn cái thế giới ồn tạp xung quanh, không
nỗi thống khổ, không niềm vui sống. Hiện thân thành những thao tác đơn
thuần, vẻ ra là như vậy, nhưng thực chất ông giống như một nghệ sĩ trong
quá trình sáng tác chỉ nhăm nhăm tiến tới tòa lâu đài tráng lệ đang tưởng
tượng ở trong đầu. Cái đẹp, chính nó là cái mà ông hao tâm tổn chí. Cái
đẹp, từ trong ông hiện ra qua đôi tay ông. Cái đẹp, chính là vì nó mà ông
hiến dâng tất cả suy tưởng và sức lực. Đắm chìm trong mê man sáng tạo,
cho đến khi, từ đống vật liệu thô nhám biến thành những đồ dùng vật dụng
tinh xảo mang hồn cốt ông, ông mới thở phào, đứng dậy vươn vai, cười nói
hỉ hả rồi đi lại lăng xăng, và nói năng huyên thuyên, đặc biệt là hát những
câu vè tục tĩu.
Còn lúc này, ông Văn Chỉ đang làm gì vậy? Thấy ông lấp bóng sau chiếc
tủ ba buồng, thầy Quang Tình bước lại. Cũng là có ý định hỏi ông mấy điều
lặt vặt về
công việc, nhưng vừa thấy đầu ông nhô lên trên chiếc tủ, thầy liền quên
khuấy ngay. Ông Văn Chỉ xoa xoa hai bàn tay gầy guộc, ra chiều đắc ý.
Ông vừa lắp xong hai cái cánh cửa vào chiếc tủ ly ba buồng dài đến hơn
một thước. Hai cái cánh cửa tủ cong như mu con rùa. Cong như mu con
rùa!
- Chà! Sư phụ Văn Chỉ. Xin hỏi sư phụ: Tấm gỗ vốn phẳng. Bằng phép
thuật gì mà sư phụ lại làm cho nó có một độ cong như cánh cửa tủ này?
Không có ý định sẵn mà câu hỏi tự buột bật ra. Có lẽ vì ấn tượng quá
mạnh của cái độ cong ở chiếc cánh cửa. Nhưng không thể ngờ thầy Quang
Tình vừa dứt lời, ông phó mộc đã cất tiếng cười hề hề, rồi tít mít hai con
mắt kẻ chỉ, đầy vẻ thích thú:
- Pháp thuật gì nhỉ? Nhưng mà thầy Quang Tình này, trước hết là khen
cho thầy có con mắt tinh đời đấy.
- Có gì đáng gọi là tinh đời đâu ạ.
- Đúng! Cánh cửa là cái quan trọng đặc biệt. Hai cái cánh cửa này đây.
Cùng một tấm gỗ. Nhưng mặt này thì cong. Còn mặt kia lại phẳng. Mà
không bị nứt nẻ. Đó là vì sao?