đất của tôi. Giờ, xin thầy nhắc lại câu vừa nói: Nghề một khi không có thì
tâm lấy gì mà dụng...
- Nhưng còn một ý này. Sư phụ nói, vào nghề là do một ngẫu sự. Thế thì
giống như một họa sĩ nước ta. Bậc danh họa này là ông thân sinh ra người
bạn một thời dạy học cùng tôi. Ông chuyên vẽ ngựa. Hỏi: “Vì sao lại
chuyên vẽ ngựa như Từ Bi Hồng nước Tầu?” thì ông bảo: “Có định chuyên
đâu. Chỉ là một hôm đem bức sơn dầu Thúy Kiều gặp Từ Hải bày ở gallery
thì có một ông khách ngoại quốc nằng nặc đòi mua. Hỏi vì sao lại thích
mua
thì ông ta bảo: ‘Tôi thích con ngựa ở phía xa xa trong bức tranh.’” Thế là
từ đấy ông thành họa sĩ chuyên vẽ ngựa!
- Chà!
- Như vậy sư phụ vào nghề cũng có thể coi như một ngẫu nhiên.
- Vâng, nhiều khi ngẫu nhiên là ông thầy dạy ta. Cái cánh cửa tủ cong
ngoài cũng vậy. Nó là do một lần tôi đem gỗ đi phơi nắng, cốt để cho nó
khô. Phơi được một lát đem vào thì thấy mặt bên gỗ phơi ra nắng co lại,
điều này thật khác so với kim loại. Xem ra thì Ngẫu nhiên là một quy luật
lớn hơn cả Tất yếu. Và thầy cũng vậy. Do một ngẫu nhiên. Một cơn chấn
thương của lịch sử.
- Một cơn chấn thương của lịch sử!
- Đúng thế! Nhưng mà thôi, chuyện ấy ta còn lai rai.
Bây giờ xin hỏi: Thân phụ của thầy hiện ở đâu?
- Vâng tôi sẽ xin kể chuyện ông thân sinh ra tôi cho sư phụ nghe. Ông cụ
hiện ở bên quê ngoại, chứ không ở đây với tôi. Đó là vì ông cụ rất gắn bó
với bà mẹ đẻ ra ông, một phụ nữ rất giỏi nghề tầm tang.
Nghe đến đó, ông Văn Chỉ liền giơ tay:
- Chuyện hẳn là rất thú vị. Nói lúc này e mất đi khí vị của nó. Vậy xin
cho tôi nói nốt chỗ dở. Thầy đừng khen tôi. Tôi là vậy mà cũng còn khờ
dại, còn lỗ mỗ lắm, chưa hiểu hết khúc nhôi chuyện đời đâu.
- Sao sư phụ lại khiêm nhường vậy?