Ma-ri-út-ka ngừng đọc, giọng bặt hẳn đi:
- Còn đoạn sau, tao nghĩ mãi mà chưa ra. Đồ cá chết toi thế chứ! Tao
không biết làm thế nào để đưa chuyện những con lạc đà vào đó được?
Cặp mắt xanh của tên trung úy khuất trong bóng tối, duy chỉ có ngọn lửa
hắt lên lòng trắng con ngươi nó những ánh màu hoa cà. Nó nói sau một
phút im lặng:
- Ừ... cừ lắm! Nhiều ý, nhiều tình cảm, chị hiểu không? Rõ là những lời
thơ thốt ra tự đáy lòng - đến đây, tên trung úy như giật thót người - nó nói
tiếp một cách vội vã:
- Nhưng chị đừng giận nhé, những câu thơ làm dở quá, không được gọt
rũa và không có kỹ thuật.
Ma-ri-út-ka để rơi tờ giấy trên đầu gối. Chị thầm lặng nhìn lên trần nhà
lều rồi nhún vai:
- Thì đúng như tôi nói là bài thơ có tình cảm. Tất cả lòng tôi đã xúc động
mãnh liệt trong khi viết nó ra. Còn chuyện thơ không có kỹ thuật thì ở đâu
người ta cũng bảo tôi thế. “Thơ của chị không có thể thức gì cả, không thể
đăng được”. Làm thế nào để thạo nghề được. Bí quyết ở chỗ nào? Anh là
người trí thức chắc anh biết chứ?
Vì cảm động, Ma-ri-út-ka đã gọi tên trung úy bằng anh.
Và nó chần chừ mãi mới trả lời:
- Khó nói quá, chị phải thấy thơ ca là một nghệ thuật. Mà nghệ thuật nào
thì cũng cần phải học. Nó có nguyên tắc và quy luật của nó. Chẳng hạn như
một người kỹ sư không biết tất cả những nguyên tắc về việc xây cầu thì
hoặc là anh ta không thể xây cầu được, hoặc là xây một cái cầu gớm ghiếc
không dùng được việc gì.
- Xây cầu là chuyện khác. Xây cầu thì phải biết tính toán và trăm thứ cần
thiết khác nữa. Còn những câu thơ thì nó đã nằm ở trong xương thịt tôi, từ
khi còn nằm ở trong nôi cơ. Đó là tài năng, có thể nói vậy.
- Đã đành rồi, nhưng học vấn là để phát triến tài năng. Kỹ sư là kỹ sư mà
không phải là bác sĩ chính bởi vì từ khi mới đẻ, anh ta đã có thiên hướng về