Gió hoành hành trên mặt biển từ tháng mười một đến tháng hai, nhưng
những tháng còn lại thì thỉnh thoảng lắm mới có vài lần xấu trời. Suốt mùa
hè, mặt biển phẳng lì như một tấm gương quý.
A-ran, một vùng biển tẻ ngắt.
Niềm vui độc nhất mà biển A-ran gợi lên là mầu xanh kỳ lạ của nó.
Một màu xanh thăm thẳm, mịn màng, lấp lánh ánh ngọc lưu ly.
Điều đó đã được ghi trong tất cả các sách địa lý học.
Để Ma-ri-út-ka và tên trung úy ra đi, chính ủy Ép-xi-u-cốp chắc mẩm
trời sẽ yên tĩnh ít nhất là trong một tuần lễ. Và những người thổ dân Kiếc-
ghi tin vào những điềm báo trước truyền lại tự đời nảo, đời nào không rõ
cũng nói như vậy.
Vì thế thuyền ra khơi, thẳng hướng đi về Ka-da-lin-xkơ. Trên thuyền có
Ma-ri-út-ka, tên trung úy, và hai gã trai trẻ là Xê-mi-an-ni và Vi-a-khia, hai
người thủy thủ gốc gác lâu đời.
Một cơn gió nhẹ gợn sóng trên mặt biển và vui vui thổi phồng căng cánh
buồm vừa khâu lại. Bánh lái uể oải kêu kẽo kẹt trong bản lề, bọt sóng dày
đặc nô giỡn hai bên mạn thuyền.
Ma-ri-út-ka đã cởi trói hẳn cho tên tù binh - ai mà trốn được giữa biển
khơi? - và Gô-vô-ru-kha Ô-tờ-rốc cũng làm việc thay phiên nhau với Xê-
mi-an-ni và Vi-a-khia.
Tự nó xử sự như một tên tù binh vậy.
Lúc được các chiến sĩ Hồng quân đổi phiên, nó nằm vào trong chăn,
miệng mỉm cười với những ý nghĩ vẩn vơ và thầm kín, những ý nghĩ của
một tên trung úy mà ngoài nó ra không ai biết được.
Điều đó không khỏi làm cho Ma-ri-út-ka lo lắng: “Không biết nó có cái
gì mà lúc nào cũng cười cợt? Giá nó đang ở trên đường về nhà thì ít ra cũng
còn hiểu được. Nhưng nó lại sắp đi đứt rồi; ở ban tham mưu, người ta sẽ
hỏi tội nó và sau đó là xử bắn. Hừ, khốn nạn cái thân mày”.
Tên trung úy vẫn mỉm cười, không hề biết những điều suy nghĩ của Ma-
ri-út-ka.