tế cộng sản, ở cơ quan công an bảo vệ và ở khẩu súng bằng thép kéo, nặng
chịch mà anh vẫn cầm ở trong những ngón tay sần sùi và khỏe mạnh.
Hai mươi ba chiến sĩ vừa cùng Ép-xi-u-cốp thoát khỏi vòng tử địa của
lưỡi gươm quân Cô-dắc và đang chạy trốn về phía bắc đều là những chiến
sĩ Hồng quân, như tất cả các chiến sĩ khác, những chiến sĩ rất bình thường.
Giữa bọn họ, Ma-ri-út-ka như sống ở nhà mình vậy.
Ma-ri-út-ka mồ côi cả cha lẫn mẹ từ sớm. Chị sinh ra trong một xóm chài
lưới náu mình giữa vùng châu thổ lau sậy um tùm của dòng sông Vôn-ga,
không xa Át-xtơ-ra-khan là mấy.
Ngay từ thuở lên bảy và rồi trong mười hai năm liền, Ma-ri-út-ka ngồi
trên một chiếc ghế dài nhầy nhụa ruột cá, bận một chiếc quần vải thô để mổ
những con cá mòi óng ánh bạc và dính nhớp.
Nhưng khi người ta báo tin ở thành phố và thôn quê có một đợt tuyển
quân tình nguyện vào xích vệ - như hồi đó người ta gọi thế - Ma-ri-út-ka
cắm phập con dao xuống ghế rồi ra đi tòng quân. Lúc đầu người ta xua chị
về, nhưng thấy chị ngày nào cũng khăng khăng đi lại mãi, họ vừa cười giễu
vừa nhận chị, bầy vai như tất cả mọi người khác.
Ma-ri-út-ka giống một cây sậy mảnh dẻ ven bờ sông; những bím tóc
hung hung cuộn dưới vành chiếc mũ lông cừu. Ma-ri-út-ka có một cặp mắt
điên dại, một cặp mắt như trái hạnh đào, một cặp mắt vàng cháy lửa như
loài mèo.
Điều mà Ma-ri-út-ka thích hơn hết là mơ mộng. Chị không bao giờ
cưỡng lại được cái sở thích mơ mộng đó. Ma-ri-út-ka còn thích làm thơ
bằng một mẩu bút chì và cứ vớ được mẩu giấy nào là lại hý hoáy vạch lên
đó những dòng chữ xiêu xẹo.
Chuyện ấy cả chi đội đều biết. Mỗi lần chuyển quân tới một thành phố
có xuất bản báo, Ma-ri-út-ka lại van vỉ xin giấy của nhân viên văn phòng.
Thè lưỡi liếm cặp môi nứt nẻ vì cảm động, Ma-ri-út- ka chép cẩn thận lại
những bài thơ của mình, đặt tên cho từng bài và ký: “Thơ của Ma-ri-a Bát-
xô-va”.