của bà, kể cả những biến cố trên cái thuyền đó hay chuyện con trai bà hiện
về. “Nó bơi nguyên quãng đường đó mà.”
“Dì Sáu sống cách xa mấy trăm cây số mà má còn gặp trong cùng một ngày
mà.”
“Hồn người ta đâu có sống theo luật của mình. Mỗi hồn mỗi khác. Hồn tốt,
hồn xấu, hồn sướng, hồn buồn. Hồn của người chết lúc già, lúc trẻ, lúc còn
nhỏ. Mày tưởng hồn của mấy đứa con nít cư xử y như hồn cỡ ông ngoại
mày sao?”
Tôi chẳng biết gì về các hồn ma. Tôi không tin các hồn ma và những người
khác tôi quen biết cũng không tin ngoại trừ má tôi với Victor, bản thân ông
này cũng có vẻ ma quái, nỗi buồn đau chưa bao giờ vơi khiến ông trắng
nhợt và gần như mờ đục, màu sắc duy nhất của ông là từ một mảng tóc đỏ
rậm không chải. Ngay với ông, cái thế giới bên kia đã xuất hiện hai lần,
một lần qua điện thoại và một lần trong phòng khách của mình. Không có
gì được động vào kể từ ngày gia đình ông lên đường ra phi trường, kể cả
mớ bụi buồn bã cũng không. Tôi ngờ rằng các cửa sổ cũng không được mở
ra kể từ ngày đó, cứ như ông muốn bảo tồn cái không khí bị rút cạn kiệt mà
vợ và các con đã hít thở trước khi họ phải chịu cái chết dữ, xa nhà đến thế.
“Người chết đi tiếp,” ông nói khi cuộn người trên ghế bành, hai tay khép
giữa hai đùi, “Nhưng người sống, chúng ta chỉ ở đây.”
Những lời đó mở đầu chương cuối cùng của cuốn hồi ký, chương mà tôi
viết khi má đã đi ngủ và tôi chui xuống tầng hầm sáng sủa, được chiếu rọi
bằng những ống đèn huỳnh quang. Tôi viết một câu, rồi dừng lại chờ nghe
một tiếng gõ cửa hay những bước chân trên cầu thang. Nhịp điệu xuyên
đêm của tôi đã thành nếp, một vài dòng rồi tới một quãng chờ đợi điều gì
đó vốn không xảy ra, ngày hôm sau lại giống y vậy. Phần kết cho hồi ký
của Victor hiện rõ khi má tôi từ tiệm làm móng trở về với những túi mua
sắm ở khu Phố Tàu, một túi đầy đồ tạp phẩm, túi kia có đồ lót, một bộ đồ
ngủ, quần jean xanh, một áo khoác jean, một lô vớ, găng tay đan, một nón