sẽ gọi bác là tội phạm chiến tranh. Họ sẽ tống bác đi học cải tạo, và cháu sẽ
không còn nghe tin gì về bác nữa.”
Sam choãi người khỏi sofa, đứng dậy trước khi ba tôi bắt đầu nói về điều
xấu xa mà họ đã làm hoặc có thể làm. Ông có thể kể những câu chuyện đó
nguyên cả buổi tối. “Xin phép,” Sam nói. “Cháu phải đi vệ sinh.”
Sau khi cô ấy đi, ba tôi quay sang tôi và suỵt nhẹ, chỉ vào bụng ông và đưa
tay vẽ một đường tròn trong không khí. Tôi làm lơ ông và đứng dậy để tìm
quanh phòng khách những dấu hiệu của một người đàn ông. Tôi chỉ thấy
những món trang trí từ cuộc sống chung của chúng tôi. Tôi đã cho Sam mọi
thứ khi ly dị ngoại trừ một nửa số tiền, nhưng tôi không ngờ cô ấy trưng
bày khơi khơi mọi món kỷ niệm. Trên bệ lò sưởi là mấy tượng nhỏ các vũ
công múa hulamua trong tuần trăng mật của chúng tôi ở Hawaii, và trên kệ
sách là khối pha lê chặn giấy có hình con cá heo mà chúng tôi mua ở Puerto
Vallarta. Bên dàn sưởi là bản in tác phẩm nhiếp ảnh của Robert Doisneau
mà tôi mua cho cô ấy vào năm cuối đại học, bức ảnh trắng đen mô tả một
người đàn ông và một phụ nữ hôn nhau trên đường phố Paris.
Cạnh cục chặn giấy là hộp sơn mài khảm xà cừ để đựng nữ trang, món này
tôi chắc cô mua ở Việt Nam. Hai đứa tôi thường nói chuyện viếng xứ đó,
nhưng tôi chưa bao giờ thực sự muốn đi. Tôi không ra đời ở đó, má tôi sinh
tôi trong một trại tị nạn ở Guam, nơi ba tôi đặt tên cho tôi theo ông cố vấn
Mỹ từng tặng ông cái đồng hồ la bàn. Tôi không hiểu cái gì đã thu hút Sam
tới Việt Nam, ngoại trừ, có lẽ thế, nhu cầu tìm câu trả lời thỏa đáng cho
chính cô. Có thể cô đã tìm được. Cô có vẻ hạnh phúc khi đem ra hai phong
bì đựng ảnh chụp trong chuyến đi và kể cho chúng tôi những câu chuyện
sau mỗi bức. “Một xứ sở xinh đẹp,” cô nói, điều mà ai cũng nói về đất nước
đó. “Nghèo và nóng, nhưng đẹp.”
Ba tôi bất giác ậm ừ hài lòng khi ông xem những bức ảnh. Sam đã hạ cánh
ở Sài Gòn rồi du hành ra phía Bắc tới Huế và Hà Nội, với những chuyến
ghé thăm Vịnh Hạ Long và vùng núi Sapa. Hầu hết những chốn đó ba tôi