NGƯỜI TỊ NẠN
Việt Thanh Nguyễn
www.dtv-ebook.com
Dịch Giả: Phạm Viêm Phương
Tổ Quốc
Đó là việc làm kỳ quái nhất trên đời, hoặc như người ta nói thế khi nghe
chuyện ba của Phương đặt tên cho đám con thứ hai của ông theo tên của
đám thứ nhất. Phương là con lớn nhất của đám con nhỏ hơn này, và trong
suốt hăm ba năm trong đời cô đã tin rằng những người con kia của ba cô
được nhiều phước lành hơn. Bằng chứng về vận may của họ được viết
trong những lá thư ngắn gọn gởi về quê hàng năm bởi má của người trùng
tên với Phương, bà vợ đầu của ông Lý, người liệt kê các thành tựu, chiều
cao, và cân nặng từng đứa con của bà ta theo những chấm lớn đầu dòng. Ví
dụ, đứa trùng tên với Phương, lớn hơn Phương bảy tuổi, cao hơn Phương
mười lăm phân, nặng hơn hai chục ký, và, theo ghi nhận trong những bức
ảnh kèm theo lá thư, có nước da sáng hơn, mịn hơn; một sống mũi mảnh
hơn, thẳng hơn; và tóc, áo quần, giày, và kiểu trang điểm trở nên hợp thời
trang hơn nữa khi cô tốt nghiệp một trường tư cho nữ sinh, rồi tốt nghiệp
tiếp một trường đại học đẳng cấp, kế đó là trường y rồi tới giai đoạn làm
bác sĩ nội trú ở Chicago. Ông Lý đã cho ép nhựa từng bức ảnh để chống lại
độ ẩm và dấu tay, cất chúng thành chồng ngay ngắn trên cái bàn nhỏ cạnh
trường kỷ trong phòng khách.
Những lá thư kèm ảnh chụp là loại thông báo duy nhất mà gia đình Phương
nhận được về con cái trong nhà, trước đó trong suốt thời gian vắng mặt
nhau khoảng hăm bảy năm, cô chị trùng tên với Phương và hai đứa em của
cô chưa bao giờ tự viết một chữ. Vậy nên, khi lá thư đầu tiên như thế được
gởi qua, nó trở thành nguồn cơn của một sự hào hứng cao độ. Lá thư được
đề gởi cho ông Lý, người với tư cách kẻ toàn quyền trong nhà, luôn nhận