trách nhiệm bóc thư. Ông ngồi trên trường kỷ và bóc phong bì một cách
cẩn thận, sử dụng một trong vài món đồ xưa từ quá khứ mà ông còn xoay
xở giữ được, một lưỡi dao bạc có cán ngà. Ngồi hai bên ông là Phương và
má cô, trong khi hai đứa con trai mới lớn, Hạnh và Phúc, ngồi trên tay dựa
và nghển cổ để cố nhìn vào những chữ mà cha chúng đọc thành tiếng. Lá
thư còn ngắn hơn những thư của bà vợ trước viết, chỉ thông báo rằng cô chị
cùng cha khác mẹ của Phương sẽ qua bên này trong kỳ nghỉ hai tuần, và cô
ấy hy vọng lưu lại được ở chỗ họ.
“Vivien?” Bà Lý đọc cái tên ký ở cuối thư. “Bộ nó giỏi quá nên không xài
cái tên ông đặt cho nó sao?”
Nhưng Phương biết ngay tại sao cô chị lại chọn cho mình một cái tên ngoại
quốc, và nó là tên của ai: Vivien Leigh, minh tinh trong Cuốn Theo Chiều
Gió, bộ phim ưa thích của cha cô, như có lần ông thoáng nhắc tới với cô.
Phương đã xem phim đó trên băng video sang lậu, và lập tức bị thu hút vì
vẻ quyến rũ, nét đẹp và sự u sầu của Scarlett O’Hara, nhân vật nữ chính và
hiện thân của một miền Nam xấu số. Có quá đáng không khi cho rằng khối
Liên minh sụp đổ, với ý thức bi kịch về chính mình của nó, không chỉ có sự
tương đồng ngẫu nhiên với chế độ Cộng hòa miền Nam thất trận của cha cô
cùng những tàn tích đầy phẫn uất của nó?
Nên trong những tuần chờ Vivien qua tới đây, khi ở nhà hay ở nơi làm việc,
Phương dễ xây lên những kịch bản về một bà chị tử tế, đầy phong cách, ít
nhiều nghiêm trang và buồn bã, nhưng vẫn dịu dàng và quý phái, một
người sẽ lập tức yêu mến cô, trở thành người chỉ bảo và hướng dẫn mà
Phương chưa bao giờ có. Việc thoáng nhìn thấy Vivien lần đầu tiên ở phi
trường chỉ thêm khẳng định cái tên Vivien của một minh tinh thật phù hợp
với cô thiếu nữ đang dừng lại ở mấy lớp cửa kính của nhà ga, với đôi mắt
mở to sau cặp mắt kính to bản, miệng hơi hé khi đôi môi bóng loáng chu ra,
đẩy cái xe chất vali màu đỏ thẫm, nặng cỡ thể trọng của chị. Khi nhảy lên
và vẫy tay để Vivien trông thấy, Phương hồi hộp khi thấy chị mình hoàn