cảm mà ông không thoát ra được cho tới khi trở về Sài Gòn. Cuộc sống
phải tiếp tục, bà vợ bé của ông nói, nên ông đã ly dị má của Vivien, biến bà
vợ bé thành bà Lý thứ hai và đẻ ba đứa con nữa. Ông thường so sánh
Phương với người chị vắng mặt của cô, điều đó bồi đắp trong Phương
ngoài cảm giác mong mỏi Vivien còn là một ý ghen ghét không thể phủ
nhận nào đó. Một con mọt ganh tị lộ mặt gần như mỗi ngày Vivien ở chơi,
vì cha cô cư xử hoàn toàn không giống ông lâu nay, cứ như ông đang cạnh
tranh để có một công việc, trong trường hợp này là giành lấy sự tán đồng
của Vivien. Không nghi vấn hay phê phán, ông làm theo kế hoạch thăm các
đền chùa và nhà thờ, thương xá và viện bảo tàng, các bãi biển và khu nghỉ
mát, về phía nam tới tận Cà Mau, phía đông tới Vũng Tàu, phía bắc tới Ðà
Lạt, và tại Sài Gòn, từ những ngõ nhỏ đông đúc, huyên náo của khu người
Hoa trong Chợ Lớn cho đến cảnh quyến rũ của phố Ðồng Khởi ở khu trung
tâm, nơi Nam Kha là nhà hàng đắt tiền nhất trên con đường này.
“Ðây giống Sài Gòn hồi xưa.” Ông Lý mỉm cười ngây ngô, nhìn chăm chú
vào những màn nhung xếp nếp và cột đá hoa của nhà hàng. Thời chiến
tranh, ông từng sở hữu một xưởng đóng giày, một ngôi nhà ven biển ở
Vũng Tàu, một chiếc Citroën với tài xế riêng. Những ảnh chụp thời đó cho
thấy một người đàn ông bảnh bao với mái tóc vuốt keo và hàng ria mép
mỏng. Bây giờ, trong chừng mực Phương có thể nhận ra, ông mang nỗi
buồn và sự thất bại thể hiện qua cái bụng bự mà chiếc áo nhỏ một số so với
cỡ của ông hầu như không che phủ được. “L’Amiral trên đường Thái Lập
Thành. La Tour d’Ivoire đường Trần Hưng Ðạo. Paprika, với thứ cơm thập
cẩm và rượu vang đỏ Tây Ban Nha thượng hạng. Ba vẫn thường tới những
nhà hàng đó.”
“Không phải với tôi,” bà Lý nói.
“Sáng mai con muốn làm gì?” Ông Lý hỏi Vivien. Chị rót thêm cho mình
từ một chai vang Úc và nói, “Trong kế hoạch con còn để trống. Con luôn
dành một hai ngày cho những chuyện bất ngờ.”