“Chuyện ngốc nhất là mấy bản tự kiểm.” Ông Lý nhìn chằm chằm cái ly
của mình, cứ như mọi bài học mà ông học được ở trại lao động, một khi
được chưng cất thành chất lỏng, chỉ để rót đầy cái ly đó. “Mỗi tuần ba phải
bịa ra một cách mới để tự phê bình chuyện mình là thằng tư sản. Ba viết đủ
số trang cho cả một cuốn tự truyện luôn, nhưng mỗi chương lại nói cùng
một chuyện.”
Phương thở dài, nhưng Vivien nghe chăm chú, một bàn tay chống cằm. “Có
một điều con luôn muốn biết.” Khi cha họ nhìn lên, Vivien nói, “Tại sao ba
lấy tên tụi con đặt cho mấy đứa con ba có với bà vợ sau?”
Ðó là câu hỏi Phương chưa bao giờ nêu ra, sợ phải nghe câu trả lời mà cô
luôn nghi ngại, rằng cô với hai đứa em chỉ là những nuối tiếc của một
người cha tái sinh thành da thịt. Tuy nhiên, sự thẳng thắn của Vivien có vẻ
không hề khiến cha cô kinh ngạc hay sững sờ, ông chỉ nâng ly và nói, “Nếu
con không quay về thăm ba thì ba hiểu được thôi. Nhưng ba biết con sẽ trở
lại để gặp đứa nhỏ mà ba đã lấy tên con đặt cho nó.”
Vivien liếc nhìn Phương, cô giữ một vẻ mặt lặng lẽ. Rốt cuộc, việc cha họ
cư xử kiểu này, thiên vị người này người kia và tự thương thân, chẳng phải
là do lỗi của Vivien. “Bởi thế con mới có mặt ở đây,” Vivien nói. Chị nhìn
sâu vào mắt cha và cụng ly với ông. “Và ly này cho chúng ta.”
“Trăm phần trăm.” Ông Lý nói.
Trong bao nhiêu năm làm hướng dẫn viên du lịch, ông Lý chưa bao giờ bảo
Phương đi cùng tour với ông. Dù chẳng bao giờ muốn đi, nhưng sáng hôm
sau, khi lên xe, cô nhận ra có thể cô thích được yêu cầu như thế. Vivien
không có vẻ trân trọng mối quan tâm đặc biệt của cha dành cho chị, hay
vận may được làm du khách trong ngày hôm nay, hai đứa con trai đi học và
má của Phương bận rộn ở chợ Bến Thành. Thay vào đó, Vivien tập trung
chú ý vào tình trạng chật chội của chiếc xe già cỗi, thì thào những phàn nàn
vào tai Phương về những tay du lịch bụi tóc dài, luôn ưu tư về tiền bạc,