như mỗi giây cả ngày lẫn đêm. Tính mong manh dễ tổn thương của bà chị
luân phiên trở thành nguồn cơn của phiền hà và thương mến đối với
Phương, khiến Vivien bớt đáng ngại hơn và có lẽ xứng đáng với bí mật mà
Phương muốn thổ lộ, một điều mà cô chưa bao giờ nói với gia đình và cũng
là điều chỉ Vivien mới có thể hiểu.
“Ðây, thưa quý bà quý ông, là một bẫy chông.” Ông Lý nói bằng tiếng Anh,
ra hiệu cho nhóm khách dừng lại. Hơn hai chục khách, toàn người Tây
phương, bước lại gần ô cửa sập bằng tre. Ông kéo nó theo bản lề cho đến
khi nó dựng đứng, bày ra cái hố sâu như huyệt mộ và dài như một quan tài,
cỡ chục cây chông gỗ nhọn hoắt được cắm sâu vào đất. “Bước nhằm ô cửa
là các bạn rơi ngay vào đó.”
Sau khi một cặp du khách chụp hình, ông Lý vẫy tay xua cả nhóm tới
trước. Ông mặc áo sơ mi trắng ngắn tay với quần rộng màu xám và giày da
nâu đánh xi bóng, trong khi ở nhà ông thường lang thang với quần đùi và,
có lẽ, một cái áo thun lót. Ðiều lạ lùng nhất với Phương là việc thấy cha cô
nói đùa và tán gẫu với du khách. Mỗi khi ông nói chuyện với Phương ở
nhà, phần lớn là nhờ lấy thêm bia, hoặc sai cô lấy thuốc lá cho ông, hay làm
món gì đó để ăn tối.
“Còn đây, là một đoạn hầm nguyên thủy.” Ông Lý dừng lại và chỉ vào một
lỗ vuông bằng cỡ tờ giấy báo ngay gốc cây khuynh diệp, được đậy bằng
tấm ván và lớp lá cây rải bên trên. “Ở đây, quân du kích sống suốt bao năm
và tấn công lính Mỹ bất cứ lúc nào.”
Các du khách phần lớn là người Mỹ, nhưng câu chuyện này chẳng có vẻ gì
là phật lòng họ. Thay vì thế, họ có vẻ hào hứng, giơ cao máy chụp hình khi
ông giở tấm ván để cho thấy lối vào hẹp, tối đen. Ở xa xa, từ bãi tập bắn,
một khẩu súng máy nổ cả băng đạn, mỗi viên giá một đô la, theo cha họ
nói. Phương ngạc nhiên với chuyện làm sao những du khách này lại muốn
tiêu tiền và cả ngày trời của họ ở đây, thay vì ở bãi biển, hay ở một nhà
hàng ly kỳ nào đó, hay trên võng trong một quán cà phê đồng quê ven sông.