Lý do cho cách ứng xử như vậy, theo cha cô, là do du khách chỉ biết một
điều về đất nước này, đó là chiến tranh. Nên những địa đạo này là thứ phải
đến xem trong lịch trình của họ.
“Lát nữa chúng ta xem những địa đạo mới, được nới ra đủ lớn cho quý vị.
Lần trước một người Mỹ chui vào địa đạo này rồi không ra được. Ông ta
quá mập!” Ðể minh họa cho mô tả của mình ông dang tay và nắm hai tay
với nhau, tạo thành một vòng tròn lớn trên cao. “Ai muốn thử không?”
Các du khách cười và lắc đầu, người nhỏ con nhất trong bọn họ cũng cao
bằng cha của Phương. Phương sợ rằng ông có thể bảo cô tuột vào một
miệng hầm, nhưng khi không có ai muốn thử, cha cô cau mặt và giơ nắm
đấm lên. “Ðây là cách chúng tôi giành được chiến thắng!” ông kêu lên. Một
máy ảnh lóa đèn. “Chúng tôi thống nhất đất nước bằng lòng can đảm và sự
hy sinh!”
Hai máy ảnh khác lóe sáng khi cha họ giữ nguyên tư thế.
“Có phải ba đã nói cái câu mà chị vừa nghe thấy đó không?” Vivien thì
thào.
“Ổng không thực lòng muốn nói thế đâu. Ðó chỉ là màn diễn.”
Nhưng Phương e rằng với du khách, màn diễn là sự kiện thực. Là người
nước ngoài, họ không thể nhìn ra sự khác biệt giữa một người tiếp quản và
một người tại chỗ bị đưa đi lao động cải tạo. Trong vài ngày, hay một tuần,
hoặc hai tuần, họ sẽ rời đi, ký ức sống động nhất của họ về ngày hôm nay là
trải nghiệm thú vị với việc bò bằng đầu gối qua đường hầm, và ký ức mờ
nhạt về một tay hướng dẫn viên nhỏ thó nhiệt thành cùng thứ tiếng Anh
ngồ ngộ của ông. Với họ tất cả chúng ta là như nhau, Phương hiểu với một
cảm giác trộn lẫn giận dữ và xấu hổ – nho nhỏ, hấp dẫn, và chẳng có gì
đáng nhớ. Cô e rằng bà chị của cô có thể cũng nhìn cô theo kiểu đó, nhưng
khi cha cô vẫy tay ra hiệu cho đám du khách đi tiếp và Vivien nối bước, chị