những việc cần làm ngoài trời, và thế là cô đặt một cái ghế đẩu bên cổng
phòng khách và một cái xô thiếc trên lối đi ngoài hẻm. Khi cô mở phong bì
đựng mấy bức ảnh, bức đầu tiên cô thấy là hình cha cô và Vivien lạnh run
trong khu Băng Ðăng của công viên giải trí, chỗ dừng chân cuối cùng của
họ trong ngày đó. Ở lối vào, một nhân viên đã phát cho họ áo chống lạnh
bằng sợi nhân tạo, có mũ trùm, dài tới gối, và có màu sắc tươi chói gồm
vàng, hồng, cam, và xanh lục. Dù đã mặc thứ áo ấy, việc bước chân từ cửa
vào hầm Băng Ðăng vẫn là một cú sốc, vì chủ yếu nó là một cái tủ lạnh
khổng lồ, một hành lang vọng âm tạo thành một vòng đi dạo qua những
điểm du lịch nổi tiếng của thế giới, được tạc bằng băng với kích cỡ ngang
đầu người. Những cây đèn nê ông chói lóa có cùng phổ màu như những áo
chống lạnh soi sáng những tác phẩm điêu khắc, những đám đông vội vàng
đi qua, và hai ống máng trượt, cũng làm bằng băng, với những đứa trẻ ré
lên khi trượt xuống đó.
“Cái này thật kỳ lạ,” Vivien nói, so vai vì lạnh khi cô đứng trước phiên bản
thu nhỏ của cầu Tower ở London. Chính chỗ này, Vivien cùng cha cô chụp
một bức ảnh, không xa mấy với kim tự tháp Ai Cập đông cứng và tượng
Nhân sư phủ sương muối. Trong khi Phương nhắm ống kính máy ảnh của
Vivien, người cha và đứa con gái vòng tay ôm eo nhau. Phương đã chụp
bức ảnh đó một cách máy móc, không chú ý lắm đến hình ảnh kỹ thuật số
nhỏ xíu sau khi nó lóa lên trên màn hình. Nhưng bây giờ, cầm bức ảnh khi
ngồi trên ghế đẩu, cô có thể chú ý từng chi tiết. Với mũ còn trùm kín đầu,
chỉ hai khuôn mặt tam giác, tái xanh của cha cô và chị cô là nhìn thấy được,
như hai cánh hoa trắng trôi trên những tấm lá súng màu xanh đọt chuối tươi
rói. Trong ánh rực rỡ của Băng Ðăng, khuôn mặt chị cô trông giống cha cô
hơn chính cô, sự đối xứng thể hiện rõ những điều mà bây giờ Phương có
thể nói ra. Cha cô thương Vivien hơn cô.
Bức ảnh bắt lửa dễ dàng khi cô đốt nó với một que diêm. Sau khi buông
bức ảnh vào cái xô, cô nhìn nó cuộn quăn lại và run rẩy, nhớ lại lúc Vivien
tiến đến bên cô sau khi cô chụp xong và cố đền bù. “Chị không bao giờ