“Mày biết là nó đi luôn rồi, phải không? Nó về và nói hết những điều muốn
nói rồi.”
Ấm nước bắt đầu rung lách cách và phì hơi.
“Má,” tôi nói. “Con chưa nói hết những điều con muốn nói.”
Và má tôi, người không hề rời mắt khỏi tôi khi ở trên boong của cái thuyền
ấy, giờ lại nhìn lảng đi. Trong mọi câu chuyện ma mà bà biết, có một
chuyện mà bà không muốn kể, một loại bầu bạn mà bà không muốn giữ.
Họ đang ở đó trong bếp với chúng tôi, hồn ma của những người tị nạn và
hồn ma của những tay cướp biển, hồn ma của con thuyền nhìn chúng tôi
bằng hai con mắt không bao giờ khép lại, kể cả hồn ma của đứa con gái vốn
là tôi trước đây, nhóm hồn ma duy nhất mà má tôi sợ.
“Kể chuyện gì đi má,” tôi nói. “Con nghe nè.”
Bà dễ dàng tìm ra một chuyện, như tôi biết bà sẽ làm. “Hồi trước có cái bà
kia,” bà nói, “rất thương chồng, ổng đi lính rồi biến mất khi làm một nhiệm
vụ trong vùng địch chiếm. Người ta đưa giấy báo tử, bả không chịu tin.
Chiến tranh kết thúc và bả thoát được sang xứ sở mới này, rồi tái hôn sau
mấy chục năm. Bả hạnh phúc cho đến ngày ông chồng trước từ cõi chết trở
về, được thả khỏi trại tù nơi ổng là một tù nhân bí mật chịu án gần ba chục
năm”. Má tôi cho tôi coi một bài viết cắt từ báo ra để làm bằng chứng, với
một bức ảnh chụp bà ấy với người chồng trước, gặp lại nhau ở phi trường
mấy năm trước. Cái nhìn của họ không gặp nhau. Họ trông rụt rè, kém
thoải mái, lẻ loi, đứng giữa những bạn bè và phóng viên vốn không thấy
được hai hồn ma cũng có mặt tại buổi gặp gỡ nản lòng đó, những cái bóng
bản ngã nhòe nhoẹt trước đây của họ.
“Mấy chuyện như vầy xảy ra hoài,” má tôi nói, rót cho tôi một tách trà
xanh. Trò chuyện thế này sẽ là nghi thức mới hàng đêm của má con tôi,