thích, ông tự hỏi món này ở Việt Nam có mùi vị thế nào. Louis thường diễn
giải các món ở Brodard’s thì đậm đà hơn so với món đó tại chính quê nhà,
nhưng khi bồi bàn dọn sạch đĩa, Louis đổi đề tài ngay: Tại sao việc làm ăn
của hắn có lợi hơn là gây hại.
“Nó giống như người đẹp với kẻ xấu,” Louis nói. “Người đẹp không thể để
lộ ra rằng họ cần những người xấu hơn họ. Nhưng không có người xấu thì
người đẹp trông sẽ không còn đẹp nữa. Tôi nói đúng không? Ðồng ý là tôi
đúng đi.”
Arthur nhìn món kế tiếp mà bồi bàn đang đặt xuống bàn, sáu con bồ câu
non được bày hấp dẫn trên một lớp rau diếp. “Tôi nghĩ cậu đúng đấy,”
Arthur nói, với hiểu biết về chủ nghĩa tư bản giỏi lắm cũng chỉ ở mức sơ
sài. “Mấy con này coi ngon dữ.”
“Bài học rút ra từ câu chuyện là thế này,” Louis nói, chọn một con bồ câu
cho mình. “Càng có nhiều đồ giả thì những người không đủ tiền mua đồ
thiệt lại càng thích. Và người ta càng mua đồ giả thì đồ thiệt lại càng có giá
trị. Bên nào cũng thắng.”
“Vậy là cậu nhìn mọi chuyện theo kiểu đó,” Arthur nói, cầm cái chân mỏng
mảnh của con bồ câu nhấc lên. “Nhưng cậu không thấy là cậu chỉ nói
những điều cậu muốn nghe sao?”
“Dĩ nhiên tôi đang nói với chính mình những điều tôi muốn nghe!”, Louis
lắc đầu với vẻ giả vờ bực bội, mắt mở to sau cặp kính Dolce & Gabbana.
“Tụi mình ai cũng tự nói những điều mình muốn nghe hết. Vấn đề là thế
này, Arthur: Ông có muốn nghe những điều tôi đang tự nói với chính mình
không?”
Quả thực Arthur muốn nghe những câu hỏi tu từ mà Louis nêu ra trong
mấy tháng qua. Chẳng hạn, Louis có nói, xem cặp mắt kính của hắn đi,
được làm trong chính cái xưởng chế tạo gọng mắt kính D & G thiệt, nhưng