nhắn, hắn thọc vào vai Arthur và nói, “Ông cũng nên mua ít hoa cho
Norma”. Arthur định hỏi nên mua loại hoa nào về cho vợ cùng với mớ
quần áo, nhưng bồi bàn đã bưng ra chuối đốt rượu, món tráng miệng ưa
thích của Arthur, khiến ông quên bẵng việc đó. Mặc dù suốt buổi chiều ông
cứ có cảm giác quẩn quanh rằng ông cần phải làm việc gì đó, nhưng không
nhớ được đó là việc gì. Bây giờ, trong tâm trí ông chỉ nhìn thấy người bồi
bàn châm lửa cái ve rượu rum to bằng cái đê khâu và trút món rượu bốc
cháy ấy vào mớ chuối, một cảnh tượng luôn hấp dẫn ông.
Ðiều bất ngờ nhất xảy đến cho Arthur Arellano, và căn nguyên đẩy đưa ông
đến với Louis Vũ, là vấn đề với lá gan của ông, một bộ phận cơ thể mà
Arthur rất ít nghĩ tới so với cái mũi, hoặc ngón cái của mình, hay thậm chí
bàn tay phải, toàn những thứ mà không có chúng ông vẫn sống được, dù sẽ
không thoải mái cho lắm. Khi lá gan của ông bắt đầu bước vào giai đoạn
cuối chừng mười tám tháng trước, Arthur không hề có sự chuẩn bị về mọi
mặt ngoại trừ việc mua bảo hiểm sức khỏe, nhờ lòng tốt của Martin, đứa
em trai và cũng là người thuê ông làm việc. Chế độ bảo hiểm này chi trả
cho việc thăm khám của bác sĩ P. K. Viswanathan. Ông này giải thích rằng
lá gan của Arthur là nạn nhân ngẫu nhiên của một chứng bệnh mà Arthur
chỉ hiểu được những phần riêng biệt của nó: viêm gan, tự động, miễn dịch.
Xoay xoay trên ghế ngồi trong khi trò chuyện, ông bác sĩ nói, “Viêm gan tự
miễn nghĩa là cơ thể của ông không còn nhận ra lá gan của ông là một bộ
phận của nó nữa. Khi đó, cơ thể ông tự động thải bỏ lá gan của ông”.
“Cơ thể tôi làm vậy được sao?”
“Cơ thể ông là một cơ quan phức tạp, ông Arellano ạ.” Ông bác sĩ thôi
xoay xoay ghế và nghiêng người về phía trước, hai cùi chỏ chống xuống
tấm lót để viết trên mặt bàn. “Nó có thể làm được bất cứ việc gì nó muốn.”
Arthur rời phòng khám của bác sĩ Viswanathan, lòng tin chắc cái chết đang
chực chờ mình. Người ta cần nhiều bộ phận cơ thể hơn số có sẵn, và Arthur
chưa bao giờ giành được bất cứ thứ gì có giá trị trong cuộc đời mình. Ông