Cơ hội duy nhất giúp ông sống sót là cấy ghép. Ông mơ màng về chuyện
đó theo kiểu ông thường mơ mộng tới việc trúng số, tưởng tượng ông sẽ trở
thành một con người mới như thế nào, một người tử tế hơn, đáng tin cậy
hơn, làm việc siêng năng hơn, một mẫu người khiến Norma tự hào. Khi
nghĩ đến lá gan – một bộ phận có thể cứu mạng mình, tất nhiên ông cũng
muốn biết kẻ sẽ hiến gan cho mình là ai. Trong thời gian chờ đợi tin tức về
một lá gan, ông với Norma tranh luận xem họ có nên hỏi xin lai lịch của
người hiến tạng không. Ðôi khi, bác sĩ Viswanathan giải thích, người hiến
tạng hoặc gia đình của họ cũng công khai danh tính của mình. Tuy nhiên,
sau cùng, Arthur và Norma quyết định cứ để y học hiện đại giữ nguyên cái
vẻ bí ẩn và kỳ diệu của nó. Vậy nên không phải do lựa chọn mà do tình cờ,
họ đã khám phá được nguồn gốc của lá gan, một năm sau cuộc phẫu thuật,
khi Arellano trở lại làm kế toán cho Martin tại công ty Arellano & Sons,
dịch vụ xây dựng vườn cảnh do Arturo, cha của Arthur, được mọi người
biết dưới tên Big Art, sáng lập. Sự thật được tiết lộ qua một phong bì lớn
giấy cứng gởi từ bệnh viện, bỏ trong thùng thư của ngôi nhà kiểu nông thôn
Tây Ban Nha mà Arthur và Norma thuê lại của Martin với mức chiết khấu
đáng kể. Bên trong phong bì là bản khảo sát về chất lượng cuộc sống với
tên người hiến tạng in cạnh tên của Arthur, có lẽ do một lỗi nào đó trong
máy tính của bệnh viện mà họ và vài chục người khác cuối cùng đã phát
hiện ra khi vụ tai tiếng này xuất hiện trên mặt báo. Khi nhìn thấy tên mình,
Arthur cảm thấy một cơn rúng động chạy qua lá gan. Ban đầu ông nghĩ là
mình bị ảo tưởng, nhưng khi ông chuyển bản khảo sát cho Norma, bà cũng
thấy cái tên đó.
“Có thể là người Hàn Quốc chăng? Giống nhà Park?” Bà hỏi, ám chỉ cửa
hàng giặt khô mà họ quen ghé. Ông bà Park, di dân từ Incheon qua ngả
Buenos Aires nói được tiếng Tây Ban Nha giỏi hơn nhà Arellano của ông
bà. “Nếu không phải Hàn Quốc, có lẽ đó là người Nhật.”
Về phần mình, Arthur chẳng biết gì cả. Ông rất vất vả trong việc phân biệt
quốc tịch của những cái tên Á châu. Ông cũng khổ sở vì một chứng loạn thị