vầy nữa?”
Móc một sổ tay nhỏ màu xanh từ túi áo, giáo sư rút lui ra sân trong, ở đó
ông đang ghi lại những lỗi lầm của mình thì Vinh đến. Vừa kết thúc ca đêm
tại nhà thương của quận, con trai họ mặc bộ quần áo xanh suôn rộng của y
tá nhưng chẳng che được mấy vóc dáng thân thể của cậu ta. Giá mà nó ghé
thăm ba má đều như ghé phòng tập thể hình, bà Khanh nghĩ. Cạnh bàn tay
của bà chắc nhét vừa vào khe giữa ngực của cậu con trai, và đùi bà không
lớn bằng bắp tay cậu. Một tay cậu cặp một tấm bảng cồng kềnh bọc giấy
nâu và để tựa nó vào hàng rào mắt cáo sau lưng cha cậu.
Giáo sư nhét sổ tay vào túi áo và chỉ cây bút vào gói giấy. “Bất ngờ gì
đây?” ông hỏi. Khi bà Khanh dọn ra món trứng phủ thịt xông khói, Vinh lột
lớp giấy gói để bày ra một bức tranh trong một khung to bản phủ màu vàng
gợi tới châu Âu thế kỷ mười chín. “Nó tốn của con hết một trăm đô ở
đường Ðồng Khởi đó,” cậu nói. Cậu vừa có kỳ nghỉ ở Sài Gòn tháng trước.
“Mấy phòng trưng bày ở đó nhái được đủ thứ, nhưng đóng khung tranh ở
đây thì dễ hơn.”
Giáo sư chồm tới để liếc nhìn bức tranh. “Có một thời con đường đó được
gọi là Tự Do,” ông nói với vẻ tiếc nuối. “Còn trước nữa là Rue Catinat.”
“Con hy vọng ba nhớ,” Vinh nói, ngồi xuống bên má cậu ở cái bàn ngoài
sân. Bà Khanh nhận ra được chủ đề của bức tranh là một phụ nữ, nhưng bà
ta có mắt trái màu xanh lá và mắt phải màu đỏ, điều đó cũng không hề kỳ
quái bằng cái kiểu họa sĩ vẽ thân mình và cánh tay của bà ta phẳng bẹt,
khiến bà ta trông không giống một người thật lắm mà giống một hình nhân
bằng giấy của trẻ con hơn, vốn được cắt ra và dán vào một cái ghế ba chiều.
“Có một nghiên cứu mới cho thấy tranh Picasso có thể kích thích những
người như ba.”
“Vậy sao?” Giáo sư lau kính bằng tấm khăn ăn. Ðằng sau ông là khung
cảnh mà bây giờ bà Khanh đã quen thuộc, một đường dẫn lên cao tốc qua