của người phụ nữ nhìn ra từ cùng một bên của khuôn mặt. Hình ảnh đôi
mắt đó khiến bà Khanh khó chịu đến nỗi cuối ngày hôm đó, sau khi Vinh
đã về, bà chuyển bức tranh vào thư phòng của giáo sư, trong đó bà để nó úp
mặt vào tường.
Chẳng bao lâu sau lần đứa con trai ghé thăm, giáo sư bắt đầu ngưng đi
lễ ngày Chúa nhật. Bà Khanh cũng ở nhà, và dần dần họ ngày càng ít
gặp gỡ bạn bè. Những lần hiếm hoi bà rời nhà là để đi mua sắm hoặc
tới thư viện Garden Grove, nơi những thủ thư đồng nghiệp của bà
chẳng biết gì về bệnh tình của giáo sư. Bà thích thú với công việc bán
thời gian này, đặt mua và phân loại bộ sưu tập đồ sộ về sách và phim
Việt Nam được mua để phục vụ những cư dân của khu Little Saigon
gần đó, những người, nếu họ đến thư viện để hỏi, đều được chỉ dẫn tới
cái ghế ngồi cao của bà sau quầy cho mượn sách. Khi trả lời những câu
hỏi đó, bà Khanh luôn cảm thấy sự hài lòng vốn khiến công việc của bà
trở nên có giá trị, niềm vui khi có người cần đến mình, cho dù chỉ
trong thoáng chốc.
Khi ca làm việc kết thúc vào buổi trưa và bà thu dọn đồ của mình để
ra về, bà luôn làm thế với một cảm giác sợ hãi khiến bà thấy hổ thẹn.
Bà khỏa lấp nỗi hổ thẹn này bằng cách tạm biệt các thủ thư khác vui
vẻ hơn, và bằng cách chuẩn bị nhà cửa cho những trường hợp khẩn
cấp một cách nhiệt tình, cứ như bà có thể trì hoãn điều tất yếu thông
qua lao động chăm chỉ. Bà đánh dấu hướng đi từ giường tới phòng tắm
bằng băng keo màu vàng dạ quang, để giáo sư không lạc hướng vào
ban đêm, và trên bức tường đối diện phòng vệ sinh, bà dán một bảng
nhỏ ngang tầm mắt ghi chữ Nhớ Giật Nước. Bà soạn một loạt những
danh sách mà khi được đặt một cách có chiến lược khắp nhà, chúng sẽ
nhắc giáo sư trình tự khi mặc quần áo, những món cần bỏ vào túi
trước khi rời nhà, và giờ giấc trong ngày ông phải dùng bữa. Nhưng
chính giáo sư lại là người thuê thợ để gắn những song sắt vào các cửa
sổ. “Em sẽ không muốn anh lẻn ra ngoài ban đêm đâu,” giáo sư nói với