vẻ cam chịu, tì trán vào những song sắt. “Và anh cũng không muốn
thế.”
Với bà Khanh, vấn đề cấp thiết hơn ở đây là chuyện giáo sư về nhà
như một kẻ lạ. Trong khi chồng bà chưa từng là người lãng mạn, kẻ lạ
này một lần đi dạo buổi chiều nọ trở về lại nhất định cầm theo một đóa
hoa hồng trong một ống nhựa dẻo. Trước đây ông chưa bao giờ mua
bất cứ loại hoa nào, mà thích làm bà ngạc nhiên với những món quà
lâu bền hơn, như những cuốn sách mà thỉnh thoảng ông tặng bà, về
những đề tài như đắc nhân tâm, hoặc cách chuẩn bị hồ sơ thuế thu
nhập. Có lần ông khiến bà ngạc nhiên khi tặng bà tác phẩm hư cấu,
tập truyện ngắn của một tác giả mà bà chưa từng nghe tên trước đó.
Ngay cả cố gắng đó cũng hơi trật mục tiêu, vì bà thích tiểu thuyết hơn.
Bà chưa bao giờ đọc quá những trang tựa đề của những món quà do
ông tặng, thỏa mãn với việc nhìn thấy tên mình được viết bằng nét chữ
thanh tú của ông bên dưới tên tác giả. Nhưng nếu giáo sư dành cả đời
mình để luyện thư pháp, ông đã chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện tặng
bông hồng, và khi cúi đầu trao cho bà đóa hoa, ông nhìn có vẻ như
đang bị một cơn co thắt bao tử.
“Cái này cho ai?” bà hỏi.
“Còn có ai khác ở đây?” Giáo sư lắc lắc bông hồng để nhấn mạnh, và
một cánh hoa, mép đã ngả nâu, rụng xuống. “Tặng em đó.”
“Ðẹp quá.” Bà miễn cưỡng đón lấy cánh hồng. “Anh kiếm được ở đâu
vậy?”
“Chỗ ông Esteban. Ông ấy cố gạ anh mua cam nữa, nhưng anh nói
mình có cam rồi.”
“Thế em là ai?” bà hỏi. “Em tên gì?”
Ông liếc nhìn bà. “Dĩ nhiên là Yến rồi.”