NGƯỜI TỊ NẠN - Trang 74

“Dĩ nhiên.” Cắn môi, bà kềm ước muốn ngắt nụ hồng khỏi cành. Bà

chưng cành hoa trong một cái bình trên bàn ăn chiều lòng giáo sư,

nhưng lúc bà dọn bữa ăn ra khoảng một giờ sau, ông đã quên rằng ông

đã mua nó. Khi nhấm nháp con tôm sú cháy, được nướng bằng que

xiên, với đậu hũ ánh lên trong nước tương đen, ông lại nói chuyện sôi

nổi về bưu thiếp mà họ nhận được chiều hôm đó từ đứa con gái lớn,

đang làm cho American Express ở Munich. Bà Khanh ngắm nghía

hình chụp quảng trường Marienplatz trước khi lật mặt sau để đọc to

mấy dòng thư ở đó, vốn nói về sự vắng bóng kỳ lạ của lũ bồ câu.

“Mình thường nhớ mãi những chuyện nho nhỏ khi du lịch,” giáo sư

nhận xét, hít hà với món thứ ba, canh khổ qua. Con cái họ chẳng bao

giờ thấy món này ngon, nhưng nó gợi cho giáo sư và bà Khanh nhớ lại

tuổi thơ của họ.

“Chẳng hạn như cái gì?”

“Như giá thuốc lá chẳng hạn,” giáo sư nói. “Khi anh trở lại Sài Gòn lúc

học xong, anh không mua được loại thuốc Gaulois hàng ngày nữa. Giá

nhập cảng quá cao.”

Bà tựa tấm bưu thiếp vào bình hoa, nơi nó sẽ trở thành một vật nhắc

nhớ đến những kế hoạch mà họ từng vạch ra cho việc du lịch đến mọi

thành phố lớn trên thế giới sau khi về hưu. Loại phương tiện vận tải

duy nhất mà bà Khanh gạt bỏ là tàu vượt đại dương. Mặt nước rộng

mở mênh mông khơi dậy nỗi sợ chết đuối, một chứng ám ảnh mạnh

đến nỗi bà không tắm trong bồn nữa, và ngay cả khi tắm vòi sen bà

cũng quay lưng về phía dòng nước phun xuống.

“Tại sao em mua nó?” giáo sư hỏi.

“Bưu thiếp hả?”

“Không, hoa hồng kìa.”

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.