phê và rắc đường vào chén canh của mình, khi một người tiếp thị qua
điện thoại gọi tới, ông đã đồng ý đặt mua năm năm tờ Guns &
Ammovà tờ Cosmopolitan; và một ngày nọ ông nhét ví vào ngăn đá
trong tủ lạnh, tạo ra nghĩa mới cho cụm từ “tiền mặt cứng, lạnh” hoặc
theo kiểu ông nói đùa với bà khi bà tìm thấy nó. Nhưng không có chỗ
nào nhắc tới Yến, và sau một phút lưỡng lự, bên dưới dòng ghi gần đây
nhất của ông, bà Khanh soạn ra đoạn sau: “Hôm nay tôi đã gọi vợ tôi
bằng tên Yến,” bà viết thế. Bà bắt chước nét bay bướm trong lối viết
của ông một cách hết sức cẩn thận, giả như việc bà làm là vì lợi ích của
giáo sư. “Lỗi lầm này không được tái diễn.”
Sáng hôm sau, giáo sư giơ tách cà phê ra và nói, “Ðưa giùm anh lọ
đường, Yến.” Ngày kế tiếp, khi bà tỉa tóc cho ông trong phòng tắm,
ông hỏi, “Tối nay tivi có gì vậy, Yến?” Vì ông cứ gọi bà bằng tên của
người khác nhiều lần suốt trong những tuần kế tiếp, câu hỏi người phụ
nữ ấy là ai chiếm trọn thời gian của bà. Có lẽ Yến là một đam mê
thoáng qua lúc nhỏ, hoặc một bạn sinh viên trong những năm sau đại
học ở Marseille, hoặc thậm chí là một bà vợ khác ở Sài Gòn, một bà
mà ông ghé thăm trên đường từ trường đại học về nhà, trong những
giờ đằng đẵng vào chiều tối khi ông bảo bà rằng ông đang ở văn phòng
trong viện đại học, sửa bài thi cho sinh viên. Bà ghi lại mọi sự cố về
nhầm lẫn tên gọi này vào các sổ của ông, nhưng sáng hôm sau ông đọc
những dòng giả mạo của bà mà không có phản ứng gì, và không lâu
sau đó có thể lại gọi bà là Yến, cho đến khi bà nghĩ bà có thể bật khóc
nếu nghe thấy cái tên đó lần nữa.
Người phụ nữ ấy rất có thể là một hình ảnh tưởng tượng mà trí óc lan
man của giáo sư tìm thấy, hoặc như bà tự nhủ khi nhìn thấy ông ở
truồng, quỳ trong bồn tắm và điên cuồng chà cọ quần dài và quần lót
dưới tia nước nóng. Trừng mắt liếc qua vai, giáo sư la lên, “Ra đi!” Bà
bật lui lại, vội vàng đóng sầm cửa buồng tắm. Trước đây chưa bao giờ
giáo sư mất kiểm soát như vậy, hoặc lớn tiếng với bà, ông cũng không