ông chỉ tăng thêm khi họ cặp vào vùng đất liền mà dân địa phương cho
họ biết là bờ biển phía đông Malaysia.
Vì lý do nào đó, giáo sư không nói về thời điểm trên biển này, tuy ông
nhắc tới rất nhiều chuyện khác mà họ đã cùng nhau làm trong quá
khứ, trong đó có những sự việc mà bà không nhớ gì cả. Càng nghe ông
nói, bà càng sợ trí nhớ của mình đang mất dần đi. Có lẽ họ thực sự đã
ăn kem có mùi sầu riêng trên hàng hiên nhà ở một đồn điền trà trên
cao nguyên miền Trung, ngồi dựa trên ghế mây. Và liệu có thể họ đã
cho hươu trong sở thú Sài Gòn ăn măng tre không? Hoặc đã cùng
nhau đuổi được một kẻ móc túi, một người tị nạn ghẻ lở từ vùng quê bị
bom đạn tàn phá lẻn đến bên họ trong chợ Bến Thành?
Khi những ngày mùa xuân kéo dài dần thành mùa hè, bà ngày càng ít
trả lời điện thoại, sau cùng tắt hẳn chuông để giáo sư khỏi trả lời luôn.
Bà sợ rằng nếu có ai xưng tên bà, ông có thể hỏi, “Ai vậy?”. Ðáng lo
hơn nữa là viễn cảnh trong đó ông nói với bạn bè hoặc con cái về Yến.
Khi con gái bà từ Munich gọi về, bà nói, “Ba mày không khỏe lắm,”
nhưng để các chi tiết ở tình trạng mơ hồ. Bà nói chuyện cởi mở hơn với
Vinh, hiểu rằng mọi điều bà nói cậu sẽ viết thư điện tử kể lại cho mấy
đứa kia. Nhưng mỗi khi cậu để lại lời nhắn, bà đều nghe được tiếng xèo
trên chảo mỡ, hoặc tiếng huyên thuyên của kênh tin tức, hoặc tiếng còi
xe tin tin. Cậu chỉ gọi cho bà bằng điện thoại di động khi cậu đang làm
việc gì khác. Bà thừa nhận tuy rất yêu con trai, nhưng bà cũng rất ít
thích nó, một thú nhận khiến bà kém vui với bản thân cho đến ngày bà
gọi lại cậu và cậu ta hỏi, “Má quyết định chưa? Má có nghỉ việc
không?”
“Ðừng bắt má nói lần nữa.” Bà cuốn sợi dây điện thoại chặt vào ngón
trỏ. “Má không bao giờ bỏ việc đâu.”
Sau khi gác máy, bà trở lại với công việc thay khăn trải giường mà giáo
sư đái dầm tối hôm trước. Ðầu bà nhức bưng bưng vì thiếu ngủ, lưng