hề như thế ngay cả trong những ngày đầu sau khi chuyển tới phía nam
California, khi họ dùng bữa bằng tem thực phẩm, nhận trợ cấp thuê
nhà, và mặc quần áo cũ do giáo dân nhà thờ St. Albans gởi tặng. Ðó là
tình yêu thực sự, bà nghĩ, khi không tặng hoa hồng mà đi làm mỗi
ngày và không hề than thở về việc dạy tiếng Việt cho những người
được gọi là học viên ngôn ngữ di sản, những sinh viên là di dân và
người tị nạn vốn đã rành thứ tiếng này nhưng đơn giản chỉ muốn điểm
cao.
Ngay cả trong thời kỳ kinh hoàng nhất của đời bà, khi họ lạc hướng
giữa cõi trời biển xanh ngát mênh mông, sóng cuộn không ngừng về
phía đường chân trời, giáo sư cũng không hề cao giọng. Ðến buổi tối
ngày thứ năm, âm thanh duy nhất ngoài tiếng sóng vỗ vào thân tàu là
tiếng trẻ con rên rỉ và người lớn cầu khấn Chúa, Phật, và ông bà tổ
tiên của họ. Giáo sư không cầu nguyện. Thay vì thế, ông đứng ở mũi
tàu cứ như đang ở trên bục giảng, mấy đứa con rúc vào nhau dưới
chân ông để tìm che chở trước làn gió đêm, và ông nói bừa với chúng.
“Ngay cả ban ngày mấy con cũng không thấy được,” ông nói, “nhưng
dòng hải lưu đang đẩy tàu mình sẽ chảy thẳng tới Philippines, theo
kiểu nó vẫn chảy từ khai thiên lập địa.” Ông lặp lại câu chuyện này
thường xuyên tới nỗi ngay cả bà cũng tin theo, cho đến buổi chiều của
ngày thứ bảy, khi họ thấy, ở xa xa, một dải đất đầy đá của một bờ biển
xa lạ. Bám trên đó là những căn chòi của một làng chài, cứ như làm
bằng cành cây và cỏ tranh, nép giữa lưa thưa rừng đước. Nhìn thấy đất
liền, bà đã ngã vào vòng tay của ông, xô nghiêng cả cặp mắt kính của
ông, và khóc thoải mái lần đầu tiên trước mặt những đứa con đang
ngạc nhiên của bà. Bà bị chìm hoàn toàn vào nỗi ngây ngất do biết
rằng tất cả họ sẽ được sống, đến nỗi bà buột miệng “Em yêu anh.” Ðó
là điều bà chưa bao giờ nói trước mặt người khác và gần như chưa
từng nói trong chỗ riêng tư, và giáo sư, bối rối vì tiếng khúc khích của
mấy đứa con, chỉ biết mỉm cười và chỉnh lại gọng kính. Nỗi bối rối của