ở nhà luôn. Rồi bà thấy cái gáy mỏng và chưa bị gấp nếp của một tập
truyện ngắn.
Một truyện ngắn, bà nghĩ, chắc cũng vừa đủ dài.
Ngồi trên thảm cạnh ông, bà thấy mình ngồi kế bức tranh. Bà quay
lưng lại người phụ nữ với cả hai mắt ở một bên khuôn mặt, và bà tự
hứa ngày mai sẽ cho đóng khung lại bức tranh này. Khi mở sách ra, bà
có cảm giác người phụ nữ đó nhìn qua vai bà để thấy tên bà, được viết
tay bằng nét rõ ràng của ông bên dưới tên tác giả. Bà tự hỏi mình biết
gì về tình yêu, nếu có. Có lẽ cũng không nhiều, nhưng đủ để biết rằng
những việc bà có thể làm cho ông lúc này thì bà sẽ làm lại ngày mai, và
ngày kế, và ngày sau đó nữa. Bà sẽ đọc to lên, từ đầu. Bà sẽ đọc với hơi
thở chừng mực, cho đến kết thúc. Bà sẽ đọc cứ như mỗi mẫu tự đều
quan trọng, từng trang một và từng chữ một.
I'd love you to want me. Lần đầu tiên giáo sư gọi không đúng tên của
bà Khanh là ở một tiệc cưới, dịp sinh hoạt đông đúc mà họ thường
tham dự, phần lớn là do nghĩa vụ. Khi cô dâu và chú rể tiến tới bàn
của họ, bà Khanh nhận thấy giáo sư đang đọc lại lời chúc mừng và tên
của đôi tân hôn vốn họ chưa từng gặp, được ông ghi sẵn trong hai lòng
bàn tay. Nghiêng người tới gần để người ta nghe được tiếng nói của
mình giữa tiếng trò chuyện của bốn trăm khách mời và tiếng ầm ĩ của
ban nhạc, bà thấy chồng mình tỏa mùi của những cuốn sách bìa giấy tả
tơi và tấm thảm mòn xơ xác. Nó là một mùi mốc dễ chịu, mùi làm bà
liên tưởng tới những tiệm sách cũ.
“Ðừng lo lắng,” bà nói. “Anh đã như vậy cả ngàn lần rồi mà.”
“Vậy sao?” Giáo sư chà bàn tay vào quần. “Có vẻ anh không nhớ
được.” Lớp da sáng của ông mỏng như giấy và đầy những đường mạch
máu xanh. Từ đường ngôi rõ ràng trên mái tóc bạc cho tới ánh sáng
bóng trên đôi giày nâu, ông vẫn là con người từng dạy nhiều sinh viên