đến độ không còn đếm được nữa. Trong hai phút mà đôi tân hôn ghé
lại bàn, ông không lỡ một nhịp, gọi đôi ấy bằng đúng tên và tặng cho
họ những điều chúc tốt lành mà người ta vẫn mong đợi ở ông trong vai
trò của người lớn tuổi nhất trong bàn mười người này. Nhưng trong
khi chú rể vuốt cổ của áo khoác kiểu Nehru và cô dâu kéo nhón lớp váy
của chiếc đầm may thắt dưới ngực, bà Khanh chỉ có thể nhớ lại buổi
tối chẩn đoán được bệnh, khi giáo sư làm bà hoảng sợ: ông bật khóc
lần đầu tiên trong bốn thập niên chung sống. Chỉ đến lúc cặp tân hôn
rời đi bà mới thấy thư thái, thở ra lâu hết mức cho phép của tấm áo
dài nhung bó sát.
“Má cô dâu nói với em rằng hai đứa nó hưởng tuần trăng mật đầu tiên
ở Paris.” Bà múc một càng tôm hùm vào đĩa của giáo sư. “Tuần thứ
nhì chúng đến vùng biển Riviera.”
“Vậy sao?” Tôm hùm rang me là món ưa thích của giáo sư Khanh,
nhưng tối nay ông nghi ngại nhìn cái càng tôm đang chĩa vào mình.
“Người Pháp gọi Vũng Tàu là gì vậy nhỉ?”
“Cap Saint Jacques.”
“Mình có một thời gian thật vui ở đó. Phải không?
“Lúc đó anh mới bắt đầu nói chuyện với em.”
“Ai mà không bối rối khi ở gần em,” giáo sư lầm bầm. Bốn mươi năm
trước, khi bà mười chín và ông băm ba, họ hưởng tuần trăng mật tại
một khách sạn ven biển ở đó. Chính trên ban công căn phòng của họ,
dưới vầng trăng tròn, sáng, nghe tiếng những người Pháp ca hát và la
hét bên bãi biển, giáo sư đột nhiên bắt đầu nói chuyện. “Tưởng tượng
đi!”, giọng đầy mê hoặc khi ông khởi sự nói về thể tích Thái Bình
Dương tương đương thể tích mặt trăng như thế nào. Khi xong chuyện
đó, ông nói tiếp về loài cá lạ ở những khe biển sâu và về bí ẩn không