sức bình thản, không nhớ ra bất kỳ phụ nữ nào tên Yến. Có lẽ Yến là
một người quen cũ mà giáo sư chưa bao giờ thấy cần nhắc đến, hoặc là
bà ngoại mà bà Khanh chưa bao giờ được gặp và bà cũng không nhớ
được tên, hoặc là một cô giáo tiểu học mà ông từng có lúc say mê. Bà
Khanh đã sẵn sàng cho nhiều chuyện, nhưng không hề sẵn sàng cho
những người chưa quen biết hiện ra từ tâm trí của giáo sư.
“Bản nhạc sắp hết rồi,” giáo sư nói.
“Mình sẽ nhảy khi về nhà. Em hứa đó.”
Bất chấp bệnh trạng của mình, hoặc có lẽ chính vì bệnh trạng của
mình, giáo sư nhất quyết cầm lái khi về. Bà Khanh căng thẳng khi nhìn
ông xử lý chiếc xe, nhưng ông lái với cung cách cẩn thận và chậm rãi
thường lệ. Ông im lặng cho đến khi rẽ trái ở đường Golden West thay
vì rẽ phải, cú rẽ nhầm của ông đưa họ ngang qua trường đại học cộng
đồng nơi ông đã nhận quyết định về hưu mùa xuân rồi. Sau khi đến
Mỹ, ông không tìm được việc làm trong ngành hải dương học và đã ổn
định với việc dạy tiếng Việt. Trong hai mươi năm qua, ông đã giảng
dạy dưới dàn ánh sáng huỳnh quang cho những sinh viên chán nản.
Khi bà Khanh tự hỏi phải chăng một trong những sinh viên ấy có thể
là Yến, bà cảm thấy một cơn nhói đau mà ban đầu bà nghĩ là do ợ
chua. Ðến khi nghĩ lại bà mới nhận ra đó là máu ghen tuông.
Giáo sư bất ngờ đạp thắng dừng xe lại. Bà Khanh kềm người với một
tay chống vào bảng điều khiển trước mặt và chờ ông gọi mình bằng cái
tên đó lần nữa, nhưng giáo sư không nhắc gì đến Yến. Thay vào đó,
ông cho xe trở đầu theo hình chữ U, và khi họ chạy về nhà, ông hỏi
bằng giọng trách móc, “Sao em không nói mình đã rẽ sai đường?”
Nhìn tất cả đèn giao thông trên con đường phía trước đổi màu xanh cứ
như theo hiệu lệnh, bà Khanh nhận ra rằng bà không có sẵn câu trả lời
cho câu hỏi của ông.