Sáng hôm sau, bà Khanh đang ở bên bếp lò chuẩn bị bữa giữa buổi cho
con trai lớn sắp ghé chơi thì giáo sư bước vào bếp, vừa tắm và cạo râu
xong. Ông ngồi xuống ghế bên quầy bếp, mở tờ báo ra, và bắt đầu đọc
cho bà nghe từng bài báo. Mãi đến khi ông đọc xong bà mới bắt đầu kể
cho ông nghe những chuyện tối qua. Ông yêu cầu bà cho ông biết
những lúc ông cư xử không giống như ông lúc bình thường, và bà kể
tới chỗ ông định lao lên sàn nhảy thì đôi vai rũ chùng xuống của ông
khiến bà dừng lại.
“Ổn thôi mà,” bà nói, cảnh giác. “Nó đâu phải lỗi của anh.”
“Nhưng em thấy anh trên sàn nhảy ở tuổi này được không?” Giáo sư
cuộn tờ báo lại và gõ vào quầy bếp để nhấn mạnh. “Và đang trong tình
trạng như vầy nữa?”
Móc một sổ tay nhỏ màu xanh từ túi áo, giáo sư rút lui ra sân trong, ở
đó ông đang ghi lại những lỗi lầm của mình thì Vinh đến. Vừa kết thúc
ca đêm tại nhà thương của quận, con trai họ mặc bộ quần áo xanh
suôn rộng của y tá nhưng chẳng che được mấy vóc dáng thân thể của
cậu ta. Giá mà nó ghé thăm ba má đều như ghé phòng tập thể hình, bà
Khanh nghĩ. Cạnh bàn tay của bà chắc nhét vừa vào khe giữa ngực của
cậu con trai, và đùi bà không lớn bằng bắp tay cậu. Một tay cậu cặp
một tấm bảng cồng kềnh bọc giấy nâu và để tựa nó vào hàng rào mắt
cáo sau lưng cha cậu.
Giáo sư nhét sổ tay vào túi áo và chỉ cây bút vào gói giấy. “Bất ngờ gì
đây?” ông hỏi. Khi bà Khanh dọn ra món trứng phủ thịt xông khói,
Vinh lột lớp giấy gói để bày ra một bức tranh trong một khung to bản
phủ màu vàng gợi tới châu Âu thế kỷ mười chín. “Nó tốn của con hết
một trăm đô ở đường Ðồng Khởi đó,” cậu nói. Cậu vừa có kỳ nghỉ ở
Sài Gòn tháng trước. “Mấy phòng trưng bày ở đó nhái được đủ thứ,
nhưng đóng khung tranh ở đây thì dễ hơn.”