“Coi nè,” giáo sư nói, lấy mấy ngón tay quệt vào vết ố. “Chỉ vì con làm
ba bực.” Vinh lại thở dài, nhưng bà Khanh không chịu nhìn cậu khi bà
chấm một cái khăn ăn vào ly nước của bà. Bà tự hỏi nó còn nhớ lần họ
trốn khỏi Vũng Tàu trên một ghe đánh cá ọp ẹp, bị quá tải với năm
anh chị em nó và sáu chục người lạ, ba năm sau khi chiến tranh kết
thúc không. Sau ngày thứ tư lênh đênh trên biển, nó với những đứa bé
còn lại, bạc cả người vì nắng, đang khóc đòi nước, dù chẳng có gì cho
chúng uống ngoài nước biển. Tuy vậy, bà đã rửa mặt và chải tóc cho
chúng mỗi sáng, dùng nước biển và nước miếng. Bà đang dạy chúng
rằng sự đúng mực bao giờ cũng quan trọng, và nỗi sợ của má chúng nó
không lớn đến độ ngăn không cho bà yêu thương chúng.
“Ðừng lo,” bà nói. “Vết ố sẽ hết thôi.” Khi chồm tới để chùi lên áo giáo
sư, bà Khanh mới nhìn rõ bức tranh. Bà không thích cả bức tranh lẫn
cái khung vàng mạ. Nó quá huê dạng so với thị hiếu thưởng ngoạn của
bà, và có vẻ quá cổ lỗ so với bức tranh. Sự thiếu hài hòa giữa cái khung
và bức tranh chỉ nhấn mạnh thêm đặc điểm gây bối rối nhất của bức
tranh, cái kiểu đôi mắt của người phụ nữ nhìn ra từ cùng một bên của
khuôn mặt. Hình ảnh đôi mắt đó khiến bà Khanh khó chịu đến nỗi
cuối ngày hôm đó, sau khi Vinh đã về, bà chuyển bức tranh vào thư
phòng của giáo sư, trong đó bà để nó úp mặt vào tường.
Chẳng bao lâu sau lần đứa con trai ghé thăm, giáo sư bắt đầu ngưng đi
lễ ngày Chúa nhật. Bà Khanh cũng ở nhà, và dần dần họ ngày càng ít
gặp gỡ bạn bè. Những lần hiếm hoi bà rời nhà là để đi mua sắm hoặc
tới thư viện Garden Grove, nơi những thủ thư đồng nghiệp của bà
chẳng biết gì về bệnh tình của giáo sư. Bà thích thú với công việc bán
thời gian này, đặt mua và phân loại bộ sưu tập đồ sộ về sách và phim
Việt Nam được mua để phục vụ những cư dân của khu Little Saigon
gần đó, những người, nếu họ đến thư viện để hỏi, đều được chỉ dẫn tới
cái ghế ngồi cao của bà sau quầy cho mượn sách. Khi trả lời những câu
hỏi đó, bà Khanh luôn cảm thấy sự hài lòng vốn khiến công việc của bà