thanh tú của ông bên dưới tên tác giả. Nhưng nếu giáo sư dành cả đời
mình để luyện thư pháp, ông đã chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện tặng
bông hồng, và khi cúi đầu trao cho bà đóa hoa, ông nhìn có vẻ như
đang bị một cơn co thắt bao tử.
“Cái này cho ai?” bà hỏi.
“Còn có ai khác ở đây?” Giáo sư lắc lắc bông hồng để nhấn mạnh, và
một cánh hoa, mép đã ngả nâu, rụng xuống. “Tặng em đó.”
“Ðẹp quá.” Bà miễn cưỡng đón lấy cánh hồng. “Anh kiếm được ở đâu
vậy?”
“Chỗ ông Esteban. Ông ấy cố gạ anh mua cam nữa, nhưng anh nói
mình có cam rồi.”
“Thế em là ai?” bà hỏi. “Em tên gì?”
Ông liếc nhìn bà. “Dĩ nhiên là Yến rồi.”
“Dĩ nhiên.” Cắn môi, bà kềm ước muốn ngắt nụ hồng khỏi cành. Bà
chưng cành hoa trong một cái bình trên bàn ăn chiều lòng giáo sư,
nhưng lúc bà dọn bữa ăn ra khoảng một giờ sau, ông đã quên rằng ông
đã mua nó. Khi nhấm nháp con tôm sú cháy, được nướng bằng que
xiên, với đậu hũ ánh lên trong nước tương đen, ông lại nói chuyện sôi
nổi về bưu thiếp mà họ nhận được chiều hôm đó từ đứa con gái lớn,
đang làm cho American Express ở Munich. Bà Khanh ngắm nghía
hình chụp quảng trường Marienplatz trước khi lật mặt sau để đọc to
mấy dòng thư ở đó, vốn nói về sự vắng bóng kỳ lạ của lũ bồ câu.
“Mình thường nhớ mãi những chuyện nho nhỏ khi du lịch,” giáo sư
nhận xét, hít hà với món thứ ba, canh khổ qua. Con cái họ chẳng bao
giờ thấy món này ngon, nhưng nó gợi cho giáo sư và bà Khanh nhớ lại
tuổi thơ của họ.