trở nên có giá trị, niềm vui khi có người cần đến mình, cho dù chỉ
trong thoáng chốc.
Khi ca làm việc kết thúc vào buổi trưa và bà thu dọn đồ của mình để
ra về, bà luôn làm thế với một cảm giác sợ hãi khiến bà thấy hổ thẹn.
Bà khỏa lấp nỗi hổ thẹn này bằng cách tạm biệt các thủ thư khác vui
vẻ hơn, và bằng cách chuẩn bị nhà cửa cho những trường hợp khẩn
cấp một cách nhiệt tình, cứ như bà có thể trì hoãn điều tất yếu thông
qua lao động chăm chỉ. Bà đánh dấu hướng đi từ giường tới phòng tắm
bằng băng keo màu vàng dạ quang, để giáo sư không lạc hướng vào
ban đêm, và trên bức tường đối diện phòng vệ sinh, bà dán một bảng
nhỏ ngang tầm mắt ghi chữ Nhớ Giật Nước. Bà soạn một loạt những
danh sách mà khi được đặt một cách có chiến lược khắp nhà, chúng sẽ
nhắc giáo sư trình tự khi mặc quần áo, những món cần bỏ vào túi
trước khi rời nhà, và giờ giấc trong ngày ông phải dùng bữa. Nhưng
chính giáo sư lại là người thuê thợ để gắn những song sắt vào các cửa
sổ. “Em sẽ không muốn anh lẻn ra ngoài ban đêm đâu,” giáo sư nói với
vẻ cam chịu, tì trán vào những song sắt. “Và anh cũng không muốn
thế.”
Với bà Khanh, vấn đề cấp thiết hơn ở đây là chuyện giáo sư về nhà
như một kẻ lạ. Trong khi chồng bà chưa từng là người lãng mạn, kẻ lạ
này một lần đi dạo buổi chiều nọ trở về lại nhất định cầm theo một đóa
hoa hồng trong một ống nhựa dẻo. Trước đây ông chưa bao giờ mua
bất cứ loại hoa nào, mà thích làm bà ngạc nhiên với những món quà
lâu bền hơn, như những cuốn sách mà thỉnh thoảng ông tặng bà, về
những đề tài như đắc nhân tâm, hoặc cách chuẩn bị hồ sơ thuế thu
nhập. Có lần ông khiến bà ngạc nhiên khi tặng bà tác phẩm hư cấu,
tập truyện ngắn của một tác giả mà bà chưa từng nghe tên trước đó.
Ngay cả cố gắng đó cũng hơi trật mục tiêu, vì bà thích tiểu thuyết hơn.
Bà chưa bao giờ đọc quá những trang tựa đề của những món quà do
ông tặng, thỏa mãn với việc nhìn thấy tên mình được viết bằng nét chữ